(HNM) - Theo đánh giá chung, Dự thảo bổ sung, sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 sẽ khó được kỳ họp Quốc hội lần nay thông qua vì: Thực tế chưa chứng minh được luật năm 2005 thiếu hiệu quả; Dự thảo chưa được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học về lý luận pháp lý cũng như tính khả thi thực tiễn.
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng quyết định Đổi mới và đề ra những cơ sở lý luận nền tảng. Năm 1991 Đại hội VII xác nhận những thành quả kinh tế - xã hội đầu tiên của Đổi mới. Mấy năm sau đó, từ diễn đàn Quốc hội, các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước đã chính thức gọi tham nhũng là "quốc nạn". Nhưng phải hơn 10 năm sau, năm 2005, Luật Phòng chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2006. Mới chỉ một năm thực thi, năm 2007, nó đã được bổ sung, sửa đổi lần đầu tiên. Và lần này là thứ hai, gây nhiều tranh luận.
Tham nhũng thích ứng nhanh hơn với thực tế hay luật quá mau chóng lạc hậu với thời cuộc?
Trọng tâm tranh luận là nguyên nhân và cách thức sửa đổi bộ luật quan trọng này. Quốc hội được nghe về Dự thảo sửa đổi nhưng không có báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện luật; một sửa đổi quan trọng là kê khai tài sản cá nhân nhưng dự thảo, theo đánh giá chung, không làm sáng tỏ mà càng làm vấn đề rối rắm hơn về chữ, nghĩa và quy định…
Kê khai tài sản, theo những người soạn thảo, có một số điểm chưa thể làm rõ về mặt pháp lý cũng như thực tế nên chưa thể đưa vào dự thảo, mặc dù rất quan trọng. Làm sao có thể xác minh chính xác số tài sản thực sự của một cá nhân trong hoàn cảnh lạc hậu về công nghệ, thông tin của nước ta? Số tài sản không được kê khai sẽ giải quyết thế nào khi phát hiện được vì chưa có một quy định pháp lý nào về việc này?
Chưa có báo cáo tổng kết về luật hiệu lực, nghiêm minh hay thiếu sót thế nào mà đã đề nghị sửa đổi thì thật khó bàn luận sửa đổi như thế nào cho tốt hơn. Còn chuyện xác minh, công nghệ thông tin gì đó thì đúng là… Năm 1945 chúng ta đã có gì mà toàn bộ chính quyền trong cả nước về tay nhân dân chỉ trong mấy ngày? Tại sao tiền bối lại đồng bộ và cùng nhau hành động kịp thời đến vậy? Còn chuyện kê khai thiếu trung thực thì dù luật hình sự chưa rõ ràng thì Điều lệ Đảng, yêu cầu của Đảng nói gì? Luật không thành văn về đạo đức con người nói gì? Một người không trung thực, dối trá đồng nghiệp, cấp trên thì có thể là một người đáng tin cậy?...
Dự luật chưa được các đại biểu đồng tình là đúng và nó thực sự thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn. Nhưng tại sao lại như vậy? Do thiếu kiến thức, kinh nghiệm; thiếu sự chỉ đạo, thiếu định hướng chính trị? Hoàn toàn không phải vậy!
Mới đây trao đổi trên truyền hình một luật sư nói rằng nhân dân đang im lặng vì họ đang tin vào Đảng, mong chờ Đảng chỉ đạo và thực sự Đảng đã làm như thế với phát biểu công khai mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phải khẳng định, một trong những nền tảng thành công của cách mạng là dựa vào dân: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong…
Vị luật sư đó cũng nói rằng kê khai là tốt, nhưng muốn biết rõ kê khai thật giả đến đâu, phải công khai. Công khai cho dân biết thì chẳng gì có thể giấu nổi.
Dân đã biết thì khó vạn lần…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.