Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó và dễ

Nữ Quỳnh| 01/09/2010 06:15

(HNM) - Dễ dãi - là một thái độ hành xử mà nhiều khi mang lại kết quả không mong muốn. Với mỗi cá nhân kết quả đó không gây ảnh hưởng nhiều đến người xung quanh. Nhưng trong quản lý, cái sự dễ dãi có khi hệ lụy khôn lường.


Sở dĩ nhắc đến chuyện "khó, dễ" là bởi thực tế đang diễn ra nhiều chuyện mà dư luận cho là "dễ dãi thái quá". Gần đây nhất, không ít người đã choáng trước thông tin, hình ảnh một nữ nghệ sỹ đã thực hiện màn nghệ thuật "trút bỏ" mà có ý kiến cho là một "sự đột phá". Xét cho cùng, người ta có thể làm những việc mà pháp luật không cấm, nhưng cái việc không bị cấm này có lẽ đã gây sốc cho bất cứ ai được xem những hình ảnh của nghệ sỹ nọ. Hay câu chuyện sốc chẳng kém khi mấy anh công nhân cũng "nghĩ đơn giản" mà mang hàng trăm tấn bùn đổ vào nơi không bao giờ được phép đổ.

Một chuyện khác cũng đang khiến dư luận bức xúc, đó là game online. Sự dễ dãi trong quản lý suốt một thời gian dài khiến cho bây giờ đâm ra khó xử. Hệ lụy của game online đã rõ, nhưng quản sao cho hợp lý là câu hỏi không dễ trả lời.

Ở lĩnh vực giáo dục, phong trào mở trường đại học bùng nổ đến mức… rất dễ dãi. Nhiều địa phương tìm cách mở trường và dĩ nhiên họ gần như ít gặp vướng mắc. Chỉ tiếc là nhiều trường được lập ra, nhưng chất lượng thì chỉ có những sinh viên… lỡ vào học mới biết. Theo một thống kê, từ năm 1987 đến năm 2009, tổng số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giáo viên chỉ tăng 3 lần. Tức là sự dễ dãi trong thành lập trường, tuyển sinh đã khiến cho cán cân chất lượng bị lệch nghiêm trọng.

Chưa hết, thời gian qua, nhiều địa phương đã được nêu danh trong chuyện buông lỏng quản lý cấp phép khai thác tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản. Con số đưa ra tại một kỳ họp Quốc hội gần đây là, trong 3 năm các địa phương đã cấp gần 4.000 giấy phép khai thác tài nguyên. Câu chuyện này được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên ví dụ với hạt cát. Do là vật liệu xây dựng thông thường nên giao cho địa phương quản. Địa phương nghĩ hạt cát đơn giản, mà khai thác xuất khẩu cát là dễ "ăn" nhất, có bao nhiêu nước ngoài mua hết. Vì thế mà năm ngoái rộ lên phong trào xuất khẩu cát. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì mỗi năm chúng ta mất một hòn đảo.

Đó là tài nguyên, còn trong cuộc sống thường nhật, ta có thể bắt gặp sự dễ dãi. Ví như, người ta có thể mua dễ dàng những tờ hóa đơn rởm ngoài chợ trời (dĩ nhiên là dùng được thì mới có người mua), hay khi mua một chiếc xe máy, chẳng hạn giá trị 10 triệu đồng thì người bán chỉ ghi hóa đơn 7 triệu, nhưng chắc chắn người mua chẳng ai thắc mắc. Nếu muốn chỉ cần đến cổng bệnh viện là mua được giấy khám sức khỏe. Rồi trong tuyển dụng, những suất "thân quen" vẫn tồn tại.

Và, còn nhiều còn nhiều những chuyện dễ dãi như thế đang tồn tại quanh ta. Nhưng hệ lụy của sự "dễ dãi" ấy thật khôn lường. Những người được tuyển dụng mà thiếu chuyên môn sẽ không mang lại hiệu quả trong công việc. Những tờ hóa đơn mua dễ dàng sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Những dự án được cấp phép dễ dãi sẽ làm xã hội bị thiệt hại khó mà tính hết được (ví dụ, ở tỉnh Khánh Hòa, một dự án hoành tráng hiện đang nằm đắp chiếu bên bờ biển, thiệt hại nhiều tỷ đồng, cũng xuất phát từ sự "dễ dãi" trong quản lý, cấp phép…).

Bao giờ hết "dễ dãi" trong quản lý? Câu trả lời không dễ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó và dễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.