Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó kiểm tra vì nhiều tập đoàn không hợp tác

Gia Khánh| 03/11/2010 06:39

(HNM) - Ngoài các vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, tại phiên thảo luận hôm qua, Vinashin vẫn là câu chuyện nóng trên nghị trường.


Theo ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), cần đặt Vinashin trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam từ năm 2003 đến nay để thấy rằng vấn đề ở đây là công tác cán bộ. Một cá nhân vừa là bí thư đảng ủy, vừa là chủ tịch HĐQT, vừa là tổng giám đốc là một trong những điều kiện tạo cho sai sót của Vinashin nặng nề hơn. ĐB Kiên đề nghị Chính phủ nên thành lập cơ quan chuyên quản phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đánh giá, sai phạm của Vinashin là một điển hình của sự buông lỏng và thiếu kiểm tra của phía cơ quan quản lý nhà nước. "Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ nói, nguyên nhân, khuyết điểm một phần do trách nhiệm của Chính phủ nhưng phần lỗi khác do cơ chế và hệ thống. Tôi nghĩ cơ chế mà chúng ta đổ lỗi do chính chúng ta đặt ra. Nói về trách nhiệm, nhiều ĐB cho rằng có cả hệ thống chính trị. Bây giờ phải xác lập rõ trách nhiệm cụ thể thuộc về ai để xử lý" - ĐB Mai nói.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của Vinashin, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, lỗ hổng đầu tiên là do quản trị doanh nghiệp yếu kém. Thứ nữa, cơ chế hiện nay đang tạo ra những vị chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc sử dụng thoải mái tiền nhà nước mà không cần tính tới hiệu quả. ĐB Nguyễn Đăng Trừng cảnh báo: "Chính phủ đã dành quá nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp này. Coi họ như quý tử. Tất yếu của việc quá nuông chiều con cái là sinh hư. Phải xóa bỏ cơ chế này, nếu không sẽ có những Vinashin khác trong tương lai...". Cũng liên quan tới quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) góp ý, thời gian qua, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã "ôm đồm" quá nhiều nhiệm vụ liên quan cụ thể tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. "Như thế, không ai có đủ thời gian để xử lý tốt được tất cả những công việc đó".

Giải trình thêm với QH về giám sát đầu tư ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, đang có những lỗ hổng trong chính sách pháp luật. "Từ năm 2008, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tổ chức đoàn kiểm tra nhưng làm việc rất khó khăn vì nhiều tập đoàn, tổng công ty không hợp tác! Họ còn viện dẫn các quy định pháp luật cho phép họ đầu tư dự án với số vốn lên tới 50% tổng giá trị tài sản. Như Vinashin, có thể đầu tư dự án 57.000 tỷ đồng, lớn hơn cả dự án trọng điểm quốc gia!". Giống như Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, ông Võ Hồng Phúc cũng thừa nhận khuyết điểm: "Ủy ban Kiểm tra Trung ương có phê bình chúng tôi "đã phát hiện ra vấn đề sao không theo dõi tới cùng để kiên trì bảo vệ quan điểm của mình". Khuyết điểm này chúng tôi xin nhận... Đây là bài học lớn. Vì đang trong quá trình thí điểm nên có mắc mớ, sai sót và phải được sửa chữa, khắc phục để không có Vinashin thứ hai...".

Cũng trong phiên thảo luận chiều qua, liên quan tới đề xuất thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: "Vụ án liên quan đến các cá nhân sai phạm ở Vinashin đang được cơ quan điều tra thụ lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang làm việc về vấn đề này. Việc thành lập hay không thành lập Ủy ban lâm thời cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, vấn đề này phải được xem xét kỹ lưỡng theo các quy định pháp luật, bảo đảm đúng quy trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo các đại biểu trong phiên họp khác tại kỳ họp này…".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó kiểm tra vì nhiều tập đoàn không hợp tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.