(HNM) - Trong cuộc trò chuyện về tuồng Nô (nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật Bản) người phụ trách Trung tâm Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội, nói rằng, một thời tuồng Nô cũng vô cùng khó khăn nhưng nhờ có truyền thông liên tục lên tiếng nên nhiều tập đoàn, doanh nhân, cá nhân và cả chính phủ đã quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vật chất... Cũng theo vị này, hiện tuồng Nô không chỉ diễn ở trong nước mà hằng năm có những chuyến lưu diễn ở nước ngoài. Còn truyền thông ở Việt Nam với nghệ thuật dân tộc ra sao...
Kỷ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2013) và kỷ niệm 140 năm Ngày mất của người Anh hùng dân tộc - Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã diễn vở "Nguyễn Tri Phương" tại rạp Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm) vào tối 5-10. Điều đáng nói ở đây là chỉ có vài phương tiện truyền thông đưa tin về sự kiện này trong khi một bộ phim còn đang là dự án hay một album ca nhạc chưa hoàn thành thì không ít báo, đài, nhất là báo mạng đã đua nhau khai thác? Rõ ràng việc đối xử với văn hóa dân tộc của nhiều đơn vị truyền thông có vấn đề.
Chuyện đưa tin, viết bài theo sự kiện là cách làm lâu nay của giới truyền thông trong nước, thế nhưng ngay cả khi sân khấu dân tộc có sự kiện thì nhiều phương tiện truyền thông cũng bỏ qua và cho đó là việc của các đơn vị khác. Tháng 5-2013, cuộc thi Tuồng và Ca kịch dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Quảng Nam, tham dự cuộc thi có nhiều nhà hát trên cả nước với các tiết mục vô cùng đặc sắc song chỉ có rất ít đơn vị truyền thông đưa tin, viết bài. Đặc biệt là những trang mạng có lượng độc giả truy cập lớn gần như đứng ngoài cuộc. Trước đó, Liên hoan Nghệ thuật tuồng toàn quốc năm 2011 tại thành phố Quy Nhơn cũng lèo tèo tin bài. Đầu tháng 9-2013, Nhà hát Chèo Hà Nội ra mắt vở "Vương nữ Mê Linh", một số đơn vị truyền thông hiếm khi đưa tin về di sản nghệ thuật quý báu này lại chỉ khai thác khía cạnh kinh phí dựng vở trong khi các nhà hoạt động sân khấu đánh giá đây là vở chèo có giá trị nội dung và nghệ thuật.
Sự thiên vị thể hiện rõ nhất, mới nhất là việc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 ở Quảng Ninh và Liên hoan Nghệ thuật chèo toàn quốc tại Hải Phòng cùng diễn ra trong tháng 10 này. Mặc dù nhà tổ chức liên hoan phim chưa họp báo, chưa công bố thành phần ban giám khảo nhưng nhiều đơn vị truyền thông, ngoài đưa tin còn truy tìm ban giám khảo là ai, thậm chí còn tỏ thái độ thiếu tin tưởng khi biết giám khảo không có nghệ sĩ trẻ. Trong khi đó chỉ có một vài thông tin ngắn về Liên hoan Nghệ thuật chèo. Ngay cả vào google tìm kiếm thông tin về nghệ thuật chèo, tuồng cũng dễ thấy số lượng tin tức, bài vở viết về lĩnh vực này quá ít. Một cuộc khảo sát nhỏ với học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) thì cả 5 em được hỏi nói rằng thường xuyên lên mạng và vào các trang văn nghệ, giải trí, nhưng không bao giờ thấy có tuồng hay chèo.
Tất nhiên mỗi cơ quan truyền thông có tiêu chí hoạt động riêng để đáp ứng đối tượng độc giả của mình, nhưng rõ ràng họ không thể lờ đi, chối bỏ trách nhiệm mà xã hội giao phó là gìn giữ và bảo vệ văn hóa truyền thống thông qua các bài viết, hình ảnh với ý thức rõ ràng. Một ngày không xa, không chỉ chèo và tuồng, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác sẽ bị mai một trong lòng công chúng, một phần trách nhiệm này thuộc về các cơ quan truyền thông…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.