Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi người trẻ làm phim tài liệu: Dấn thân tìm sự chân thực

Thi Thi| 05/04/2013 07:18

(HNM) - Những người trẻ tuổi, trong đó có các sinh viên, vừa trình làng 15 bộ phim tài liệu ngắn thể hiện cách nhìn của họ đối với những vấn đề của cuộc sống đương đại.





Bồi dưỡng tình yêu điện ảnh cho các bạn trẻ bằng con đường làm phim tài liệu ngắn là một lựa chọn hợp lý. Không phải chỉ bởi nhiều nhà làm phim thành danh từng bắt đầu từ phim tài liệu mà quan trọng là những cảm xúc từ hiện thực đời sống luôn là sự bắt đầu cho bất kỳ một thể loại nào của điện ảnh.

Điều đáng nói đầu tiên ở những tác phẩm trình làng lần này của các đạo diễn trẻ là ở đề tài đã có sự trưởng thành rõ rệt. Họ đã hướng ống kính máy quay tới những góc khuất khiến người xem khó mà thờ ơ. Như câu chuyện đám cưới và cuộc sống của hai người thiểu năng trí tuệ; sự kỳ diệu của ngôn ngữ ký hiệu cũng như tinh thần lạc quan sống của người khiếm thính; số phận của những người có HIV; chuyện về những người làm nghề chuyển đồ lên đỉnh Fansipan…

Ở góc độ dấn thân, những người làm phim trẻ thậm chí phải đối mặt với mọi khó khăn như bất cứ nhà làm phim chuyên nghiệp nào. Đạo diễn Chu Việt Nga, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí tuyên truyền, sau khi nhớ lại 3 tháng nhọc nhằn quay phim ở bãi rác (nhiều hôm, dậy từ 3h sáng, vừa quay vừa sợ) đã thốt lên: "May mắn là bộ phim hoàn thành và mình vẫn còn nguyên vẹn!". Còn Mạc Phạm Ngọc Hà nói: "Ngày đầu quay phim ở chợ lao động dốc Bưởi, mình bị xua đuổi, bị che máy quay và bị chửi mắng… Nhưng cũng qua 3 tháng làm phim mà mình nhận được nhiều điều không hề có trong sách vở".

Có thể không cần nói ra, qua phim "Chúng tôi đã cưới", người xem cũng cảm nhận được sự "vào cuộc" của các nhà làm phim trẻ. Chỉ riêng sự kiên trì thôi, nếu không có, làm sao ghi lại được những ứng xử chân thực, những hành động vừa lạ lùng vừa xúc động của người thiểu năng trong khát khao chung về hạnh phúc của phận người.

Một nét đáng chú ý nữa là các phim có lối thể hiện mới mẻ, hầu như không có lời bình, chuyện diễn ra tự nhiên và nhân vật không diễn. Mọi thông tin thể hiện qua lời nói của nhân vật cũng như chính cuộc sống đang diễn ra của họ. Có thể đây là một cách làm mới mà các nhà làm phim đi trước như Phan Huyền Thư, Trần Phương Thảo, Nguyễn Hoàng Điệp… chia sẻ với các bạn trẻ. Về điều này, trong giới làm phim tài liệu cũng từng có "tranh luận". Có ý kiến rằng phim tài liệu của ta "bình" nhiều quá, nặng tính áp đặt, lấn hết cả phần nhân vật. Nhưng cũng lại có quan điểm khác: Thực ra, lối thể hiện để cho nhân vật nói cũng là một cách "bình"…

Qua những bộ phim tài liệu ngắn, có thể thấy bản chất của câu chuyện phim tài liệu hôm nay là dẫu cách thể hiện thế nào thì mục đích cuối cùng là sự chân thực và khả năng tác động tới người xem. Một bộ phim kéo dài từ đầu đến cuối những "nhận định" rặt của tác giả thì đúng là rất khó vào. Nhưng cũng không phải lối thể hiện tự nhiên nào qua lời nói của nhân vật cũng làm toát lên tinh thần của bộ phim. Ngay trong loạt phim ra mắt lần này của Social Doc, cũng có phim còn đơn giản…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi người trẻ làm phim tài liệu: Dấn thân tìm sự chân thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.