Công nghiệp văn hóa

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ XIII: Hành trình đến sự đồng điệu

An Định 01/10/2023 - 14:40

Trải qua 13 lần tổ chức, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam đã trở thành một sự kiện quen thuộc với khán giả Thủ đô. Với những người làm phim tài liệu nước nhà, Liên hoan là cơ hội giao lưu, đối thoại, học hỏi và thay đổi.

phim.jpg
Phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” tham gia Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ XIII.

Điểm hẹn văn hóa thường niên

Diễn ra từ ngày 22 đến ngày 28-9, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ XIII tiếp tục hành trình giới thiệu những tác phẩm tài liệu xuất sắc với công chúng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc hành trình đó đã được thực hiện bền bỉ hơn một thập niên qua, kể từ năm 2009, qua đó giới thiệu tác phẩm của các nhà làm phim đến từ các quốc gia như Áo, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Phần Lan, Bỉ... và nước chủ nhà Việt Nam.

Năm nay, Liên hoan phim quy tụ 19 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, trong đó có 7 phim quốc tế và 12 phim Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đánh giá: “Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam là điểm hẹn không thể bỏ qua với khán giả yêu loại hình điện ảnh này. Đây là sự kiện văn hóa thường niên, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong những năm qua. Sự kiện do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hiệp hội Các viện văn hóa và các đại sứ quán châu Âu (EUNIC) phối hợp tổ chức. Mỗi buổi chiếu, khán giả được thưởng thức một bộ phim tài liệu của Việt Nam và một phim tài liệu nước ngoài. Liên hoan cũng giới thiệu phim tài liệu của các tác giả độc lập người Việt Nam. Mỗi bộ phim tham dự Liên hoan phim mang thông điệp riêng và qua đó, khán giả yêu điện ảnh tài liệu có cơ hội để khám phá thêm về đất nước, con người và những nền văn hóa khác nhau”.

Từ các tác phẩm dự Liên hoan, dễ thấy những câu chuyện, vấn đề đang được công chúng toàn cầu quan tâm như biến đổi khí hậu, giải phóng phụ nữ, bảo vệ và chung sống hòa bình với thiên nhiên, những rủi ro của thời đại số... Riêng về môi trường, có tới 7 bộ phim đề cập tới vấn đề này, mang đến những góc nhìn, cách kể khác nhau về một vấn đề có tính toàn cầu.

Hành trình thay đổi

Liên hoan cũng là dịp để những người làm phim tài liệu Việt Nam có dịp học hỏi từ các đồng nghiệp quốc tế. NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chia sẻ: “Qua sự kiện này, chúng ta không chỉ hiểu được văn hóa của nhau mà còn học được ở nhau rất nhiều về cách làm phim. Đây là cơ hội tốt để các nghệ sĩ Việt Nam học hỏi kinh nghiệm. Thông qua các kỳ liên hoan, có thể thấy rõ hơn sự thay đổi về cách làm phim, cách kể của các tác giả Việt Nam”. Cụ thể, các đạo diễn Việt Nam đang cố gắng kể câu chuyện của mình theo một cách khác - hạn chế dùng lời bình như trước đây, thay vào đó là dùng lời của nhân vật và các dữ liệu có trong đời sống. Các đạo diễn trẻ cũng tìm tòi cách kể mới, cố gắng tận dụng hiệu ứng hình ảnh, âm thanh để tạo ấn tượng với người xem thay vì cách bố cục mở bài, thân bài, kết bài đã trở thành lối mòn. Đây là điều mà các nhà làm phim tài liệu trên thế giới đã thực hiện từ lâu.

“Nhiều năm trước, phim tài liệu của chúng ta chỉ dài khoảng 25 phút để phù hợp phát sóng truyền hình, nay thì đã có những bộ phim dài, đặc biệt là phim dài 90 phút để phát hành ngoài rạp, như vậy thì đạo diễn sẽ theo được câu chuyện dài hơn. Chẳng hạn như phim “Đường về hoang dã”, một bộ phim hoàn toàn không có lời bình, hoàn toàn theo sát quá trình bảo vệ, giải cứu gấu như thế nào. Tôi cho rằng đó là một cách tiếp cận vấn đề dài hơi, thấu đáo, có những phim làm mất 2 - 3 năm” - NSƯT Trịnh Quang Tùng chia sẻ thêm.

Điều đặc biệt hơn nữa là sự tham gia ngày càng nhiều của các tác giả làm phim tài liệu độc lập của Việt Nam. Năm nay, ngoài 9 bộ phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, còn có 3 phim của các tác giả độc lập tham gia Liên hoan. Trong đó có “Những đứa trẻ trong sương” - bộ phim tài liệu nổi tiếng của tác giả Hà Lệ Diễm, từng được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Đặc biệt Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan) năm 2021, nằm trong danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc nhất cho Giải Oscar 2023, Top 20 phim tài liệu hay nhất của năm 2022 do Tạp chí Paste Magazine (Mỹ) bình chọn. Nếu “Những đứa trẻ trong sương” có độ dài tới 92 phút, là một tác phẩm có thể chiếu rạp thì "Người chuyển giới và quyền tự quyết với cơ thể” của tác giả Kim Thanh Trần chỉ có thời lượng 12 phút, phim “Tôi muốn thở” của đạo diễn Hương Na có độ dài chỉ 8 phút. Điều này cho thấy sân chơi ngày càng mở rộng. “Tiêu chí và mong muốn của Liên hoan phim là hướng tới các tác giả độc lập, tạo ra màu sắc đa dạng cho liên hoan và hơn nữa là để khẳng định: Ai cũng có thể làm tác phẩm mà họ muốn” - NSƯT Trịnh Quang Tùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ XIII: Hành trình đến sự đồng điệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.