Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi người đứng đầu vào cuộc

Đan Nhiễm| 28/05/2015 05:48

(HNM) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 5-2015, Chính phủ một lần nữa đặt lên bàn làm việc xem xét vấn đề làm sao đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xem đây là một trong những nội dung mấu chốt của tái cơ cấu nền kinh tế.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Cổ phần hóa không phải là lấy tiền về cho ngân sách nhà nước mà quan trọng là nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp". Rõ ràng, với những ai quan tâm đến vấn đề này thì đây không biết là lần thứ bao nhiêu, người đứng đầu Chính phủ tỏ ra sốt ruột trước tình hình cổ phần hóa DNNN đang diễn ra chậm chạp.

Theo Bộ Tài chính, ba năm gần đây, cả nước mới chỉ sắp xếp được 180 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa 99 DN và 81 đơn vị được sắp xếp theo các hình thức khác. Đặc biệt, trong số 432 DN thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015, mới có 167 đơn vị đã hoàn thành trong năm 2014, tuy tăng gấp 1,65 lần năm 2013 nhưng điều này cũng có nghĩa là còn tới hơn 200 DN phải cổ phần hóa xong trong năm 2015, chưa kể số DN sẽ bổ sung theo tiêu chí, danh mục phân loại DN mới. Như vậy, trong những tháng còn lại của năm 2015, mỗi ngày phải có ít nhất một DN phải được cổ phần hóa thành công.

Một trong những "điểm nghẽn" của vấn đề cổ phần hóa hiện nay là vấn đề xác định giá trị tài sản DN. Đặc biệt, có không ít đơn vị, người đứng đầu thiếu động lực đổi mới, sợ mất ghế nên đã chần chừ cải cách DN… Để tháo gỡ những vướng mắc trên, theo các chuyên gia, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh các mặt công tác, từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện. Riêng đối với các đơn vị đã hoàn thành xác định giá trị DN, khi xây dựng phương án cổ phần hóa cần nghiên cứu, cân nhắc xác định tỷ lệ cổ phần bán ra bảo đảm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức và cổ đông chiến lược theo quy định. Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm với những DN thời gian qua thực hiện cổ phần hóa kiểu "nhỏ giọt", có tỷ lệ chào bán cổ phiếu quá thấp dẫn đến nhà đầu tư không mặn mà tham gia, khiến cho kế hoạch cải cách DN không thực hiện được. Đối với các đơn vị đang thực hiện xác định giá trị DN, trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù, cần báo cáo kịp thời để các cơ quan chức năng có thể hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cho DN thực hiện cổ phần hóa đúng kế hoạch. Muốn vậy, rất cần thực hiện công khai thông tin về danh mục, kế hoạch, phương án cổ phần hóa và thoái vốn của đơn vị trực thuộc để các nhà đầu tư quan tâm có đủ thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị nguồn vốn cần thiết…

Một kinh nghiệm trong đổi mới mô hình hoạt động DNNN tại Bộ GT-VT, đơn vị được đánh giá là có nhiều đột phá trong cổ phần hóa, thì trách nhiệm của người đứng đầu là tối quan trọng. Xác định đặc thù mỗi ngành, mỗi DN có sự khác nhau nên trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, lãnh đạo Bộ thường xuyên có báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới DN trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Chính vì vậy, riêng cổ phần hóa các DN của Bộ GT-VT đã được Chính phủ cho phép bằng 7 văn bản cá biệt, vừa ủy quyền và vừa trực tiếp xử lý các vấn đề vướng mắc. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề nhanh, Bộ trưởng, Thứ trưởng của Bộ trực tiếp cùng DN với các đối tác tháo gỡ từng vấn đề, từ đó tiến trình CPH sẽ nhanh hơn, bảo đảm được tiến độ, không làm thất thoát, mất vốn của Nhà nước và đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Rõ ràng, từ kinh nghiệm của Bộ GT-VT cho thấy, khi người đứng đầu vào cuộc với tư duy "vướng ở đâu, gỡ ở đó" thì rất nhiều vấn đề sẽ có lối ra thỏa đáng. Mong rằng, câu chuyện này sẽ được nhân rộng để tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua cổ phần hóa DNNN sẽ sớm về đích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi người đứng đầu vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.