Trong đó, thương mại điện tử bán lẻ tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế internet.
Ngày 21-11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn chuyển đổi số ngành Công thương năm 2024, với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững".
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, kinh tế toàn cầu hiện đang bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài. Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 3,2%.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố ngày 5-11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm 2023. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế internet.
Tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90 đến 200 tỷ USD.
Đây cũng là thời điểm để xây dựng mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Các chính sách chuyển đổi số của ngành Công thương tập trung vào tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp – năng lượng, và dịch vụ logistics.
Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công thương năm 2024 diễn ra với một phiên toàn thể và hai hội thảo chuyên đề, tập trung thảo luận về chủ đề “Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh trong sản xuất và năng lượng" và "Xu hướng phát triển thương mại điện từ bền vững trong kỷ nguyên số".
Tại phiên toàn thể, các đại biểu khẳng định, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ngành Công thương là vô cùng cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, cũng như thúc đẩy kinh tế số.
Để phát triển kinh tế số bền vững cần nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tập trung vào các lĩnh vực: Thương mại điện tử, công nghiệp – sản xuất thông minh và năng lượng thông minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.