(HNM) - Thị trường viễn thông đã bão hòa từ vài năm nay, cùng với đó còn bị đe dọa sụt giảm doanh thu vì sự phát triển của các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng (OTT)…
Nói về những nguy cơ với ngành viễn thông khi doanh thu từ dịch vụ thoại giảm, vị lãnh đạo đại diện cho Tập đoàn Viettel đã nhắc đến quan điểm của Steve Jops (nhà sáng lập ra Hãng Apple) cho rằng, "đói khát" là động lực quan trọng của quá trình đổi mới, sáng tạo. Vị này phân tích, hiện "miếng bánh alo" của các DN viễn thông đã bị "co lại" vì mật độ điện thoại của thế giới đã đạt 96%; một số quốc gia phát triển của khu vực Châu Á, doanh thu từ thoại chỉ còn 30-35%... Trước thực trạng này, nhà mạng hoặc phải thực hiện động tác làm cho tốc độ thu hẹp thị trường chậm lại, hoặc phải đi tìm "miếng bánh" mới, kinh doanh cái mới.
Viettel là doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài từ 6 năm trước đây. Ảnh: Thanh Hải |
Với Viettel, đã đầu tư ra nước ngoài được 6 năm, đến nay đã có giấy phép kinh doanh tại 9 quốc gia. Đa phần khi Viettel "đặt chân" đến chỉ là DN viễn thông thứ 3, thứ 4 hoặc có mật độ điện thoại thấp. Song, không phải tất cả như vậy. Tại một số quốc gia Viettel đã nhận giấy phép đầu tư, nếu xác định không làm các dịch vụ ngoài "alo" thì không còn "cửa sống". Chẳng hạn tại Peru hiện mật độ điện thoại đã bão hòa như ở Việt Nam; hoặc trường hợp năm 2013 Viettel lấy được giấy phép kinh doanh tại Tanzania dưới hình thức mua lại công ty đã có giấy phép, cho thấy thị trường ở đây đã bão hòa và để tăng trưởng phải đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ ngoài viễn thông.
"Miếng bánh" mới cho các DN kinh doanh chính là phải tích hợp công nghệ thông tin, viễn thông vào thiết bị điện tử chuyên ngành và có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực xã hội. Cụ thể, với ngành điện, có thể cắm sim điện thoại vào công tơ điện và cài đặt phần mềm (được biết Viettel đang phối hợp với EVN thử nghiệm) để biết được khi nào dùng điện vào giờ cao điểm, thấp điểm và ngành viễn thông sẽ có thêm 22 triệu khách hàng là các hộ gia đình đang dùng điện. Hoặc như với y tế, có thể cung cấp y bạ điện tử lưu kết quả khám, xét nghiệm của khách hàng tới 30 năm hoặc 50 năm; hay có thể phối hợp cung cấp thiết bị y tế đeo tay (các nước phát triển đã triển khai) nhắc nhở đo nhịp tim… Đây là những dịch vụ "thông minh" mà viễn thông buộc phải đổi mới, sáng tạo để triển khai cung cấp.
Các dịch vụ OTT, trong đó có Viber, kể từ khi ra đời đến nay đã và đang cạnh tranh quyết liệt với các nhà mạng trên toàn thế giới. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh, Viber xuất hiện gây "xôn xao" bởi, Viettel thì bỏ ra 2-3 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng, mất nhiều năm xây dựng mạng lưới, trong khi Viber là một công ty có chưa đến trăm người đã viết ra phần mềm Viber có thể tranh giành thị phần... Thực tế, Viettel và các nhà mạng có thể sử dụng biện pháp kỹ thuật khiến Viber có thể "chết" ngay... Nhưng, Viettel lại xem đó là "cú hích" để thay đổi. 100 năm nay ngành viễn thông đã chỉ phát triển thoại, tin nhắn và khi bị thu hẹp thị trường, bị đe dọa sẽ phải thay đổi.
Theo Phó Tổng Giám đốc Viettel, sự sợ hãi từ Viber và các DN OTT làm tăng áp lực về giảm doanh thu chỉ là do "yếu bóng vía", là nỗi sợ hãi mơ hồ… Vì, hiện nay giá cước điện thoại đã rẻ đến mức người dân không quá quan tâm đến dùng Viber hay các dịch vụ thoại truyền thống. Từ những phân tích này có thể thấy, năm 2013 cho dù bị ảnh hưởng từ kinh tế suy thoái nói chung, bị đe dọa từ các dịch vụ OTT nhưng cả ba nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, Vinaphone đều đạt doanh thu, lợi nhuận cao. Các DN OTT chính là những công ty sáng tạo và Viettel rất muốn mua lại các công ty sáng tạo này. Được biết trong năm 2013 Viettel bắt đầu đàm phán với đối tác để mua lại DN OTT và cho biết nếu có được DN OTT, Viettel sẽ đặt DN này "nằm" độc lập với Viettel Telecom để gây sức ép với việc kinh doanh mảng viễn thông truyền thống, tạo điều kiện cho các công ty nội bộ cạnh tranh trực tiếp với nhau. Đó cũng là cách buộc đơn vị kinh doanh viễn thông phải đổi mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.