(HNM) - Nhiều hộ kinh doanh xếp những bộ bàn ghế giữa đường ray tàu hỏa cho khách uống cà phê, uống trà, bán đồ ăn vặt... chiếm dụng hành lang an toàn đường sắt làm “của riêng”.
Đây là tình trạng đang xảy ra trên tuyến đường sắt chạy qua khu vực nội thành Hà Nội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Nguyên nhân gia tăng tình trạng vi phạm hành lang đường sắt đã được chỉ ra: Các công ty du lịch đưa quán cà phê ven đường tàu vào tour.
Bày bàn ghế giữa đường ray để kinh doanh cà phê ở “xóm đường tàu” Khâm Thiên. |
Vi phạm ngày càng phức tạp
Từ tháng 5-2018, khách du lịch nước ngoài, giới trẻ Hà Nội truyền tai nhau đến uống cà phê, nước giải khát, ngắm tàu hỏa chạy tại đường ray đoạn Trần Phú - Điện Biên Phủ. Dù khoảng khách từ tâm đường sắt đến nhà dân chỉ chưa đầy 1m (quy định tiêu chuẩn là 6m) nhưng các cửa hàng của các hộ dân ở đây đã tận dụng đường ray tàu để bày ghế mây, tre phục vụ khách hàng vào buổi trưa và chiều. Tình trạng này cũng diễn ra tại Chắn 5 Trần Phú đoạn phố Phùng Hưng - Nguyễn Văn Tố.
Tại "xóm đường tàu" Khâm Thiên, phường Khâm Thiên (quận Đống Đa), mặc dù đoạn đường tàu chạy qua dài chưa đầy 500m (từ đầu phố Khâm Thiên đến ngõ 222 Khâm Thiên) nhưng có 88 hộ dân sinh sống, trong đó có hàng chục hộ kinh doanh cà phê, nước giải khát bán hàng cho khách tham quan. Mỗi căn nhà ở “xóm đường tàu” rộng 15-25m2, cao 2-3 tầng, đa số được cho thuê lại để kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Huyền, tổ dân phố 57, phường Khâm Thiên cho biết, từ khi các cửa hàng cà phê mở ra thu hút đông khách nên các gia đình khác cũng mở theo để phát triển kinh tế. Vì thuộc giờ tàu chạy qua nên các hộ dân rất bình thản sinh hoạt, buôn bán tại đường ray. "Tầm 15h đến 21h hằng ngày không có chuyến tàu nào, lượng khách vì thế cũng đông đúc", bà Huyền cho biết thêm.
Tình trạng lấn chiếm đường ray tàu hỏa cũng xảy ra tại dọc đường Lê Duẩn, đường Giải Phóng (quận Đống Đa)... Tại đây, người dân vô tư sinh hoạt, để vật dụng, đồ đạc vào đường ray, để xe máy sát vào mép đường tàu rất nguy hiểm. Thậm chí, một số hộ dân ở đường Lê Duẩn còn phá thanh chắn tàu để thuận tiện cho việc để đồ đạc...
Cần xử lý nghiêm
Trả lời về tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải cho biết, gần đây, trên tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ Km 0+595 đến Km 0+840 có nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan, chụp ảnh, khiến quán cóc bày bàn ghế, bán nước giải khát trong khu vực hành lang an toàn đường sắt xuất hiện nhiều. Đặc biệt là khu vực phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) có nhiều nhà dân sống sát ngay đường sắt, vì không có đường gom, việc sinh hoạt, đi lại của người dân nằm hoàn toàn trong khu vực hành lang đường sắt, rất nguy hiểm.
Ông Vượng cũng cho biết, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải không có chức năng xử phạt các hành vi lấn chiếm hành lang đường sắt nên phải phối hợp với các đơn vị chức năng. Ngày 11-5-2018, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đã phối hợp với các phường Khâm Thiên (quận Đống Đa), Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), Điện Biên (quận Ba Đình), Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) tổ chức cưỡng chế giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Ngày 3-1-2019, Công ty cũng phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Đội Cảnh sát giao thông đường sắt (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội) và các phường kiểm tra đột xuất các hộ, xử phạt hành chính, yêu cầu các trường hợp vi phạm ký cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang đường sắt.
Tuy nhiên, đại diện các phường, quận liên quan đã chỉ ra nhiều khó khăn trong công tác này.
Ông Nguyễn Quý Tùng, Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên cho biết, UBND phường đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt 4 hộ vi phạm (phạt 400.000 đồng/hộ) theo quy định tại Điểm B, Khoản 1, Điều 51 Nghị định 46/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường bộ. Còn Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Công an phường Hàng Bông cho biết, mỗi ngày lực lượng chức năng phường tuần tra 4 lần để nhắc nhở các hộ kinh doanh không lấn chiếm hành lang đường sắt tại tuyến phố Chắn 5 Trần Phú. Gần đây nhất, ngày 2-4-2019, lực lượng công an đã xử phạt 1 hộ kinh doanh theo Điểm B, Khoản 4, Điều 12 Nghị định 46/NĐ-CP với mức 2,5 triệu đồng; đồng thời tháo dỡ mái bạt, mái hiên tạm vi phạm... Song, theo Đại úy Nguyễn Trung Kiên, khi không có lực lượng chức năng, sai phạm lại tái diễn.
Theo đại diện các phường liên quan, nguyên nhân xảy ra vi phạm kể trên là do các công ty du lịch có tour tham quan phố cổ đã đưa thêm phần tham quan tuyến phố có đường sắt chạy qua. Hiện Công an phường Hàng Bông đã báo cáo Công an quận Hoàn Kiếm, kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội hướng dẫn các công ty du lịch, văn phòng du lịch chấm dứt việc lập tour tại các tuyến đường, phố có đường tàu. Chỉ có như vậy mới có thể chấm dứt tình trạng bán hàng cho khách tham quan ngay trong hành lang an toàn đường sắt.
Về giải pháp bảo đảm an toàn cho các hộ dân sinh sống, kinh doanh ở các đường Lê Duẩn, Giáp Bát, Giải Phóng… nơi có đường sắt chạy qua, quan điểm của các quận là ngoài việc tuyên truyền, vận động, yêu cầu các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm hành lang đường sắt để kinh doanh, cần phải tăng cường ra quân xử lý, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm để răn đe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.