(HNM) - Ùn tắc giao thông sáng ngày 8-10 tại ngã tư Nguyễn Trãi và đường Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến đã lan đến các tuyến đường khác quanh khu vực, gây tắc nghẽn trong nhiều giờ. Và hậu quả thế nào thì ai cũng biết.
Ùn tắc cục bộ, ùn ứ giao thông không chỉ diễn ra tại những khu vực có các công trình đang xây dựng có rào chắn mà còn xảy ra ở nhiều tuyến phố khác. Trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, không ít người gọi là "chuyên gia" "phán" rằng: Ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay là do "yếu kém trong quản lý đô thị", "thiếu các phương tiện giao thông công cộng", "thiếu văn hóa giao thông"... Tóm lại, người ta đổ hết lỗi lên đầu Hà Nội. Thoạt nghe có vẻ "lọt tai" nhưng tìm hiểu kỹ vấn đề thì không phải như vậy, nguyên nhân chính là số dân quá đông, lại tăng quá nhanh.
Có lẽ không tỉnh, thành phố nào trên cả nước có mức tăng dân số tự nhiên và cơ học nhanh như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã đưa ra số liệu:
Mỗi năm dân số Hà Nội dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người (tương đương dân số một huyện lớn). Trong 5-7 năm vừa qua, số dân thuộc diện hộ khẩu thường trú của phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) đã tăng thêm cả vạn người, nâng tổng số lên 2,61 vạn người với gần 6.700 hộ. Nếu tính cả số lượng căn hộ xây mới của các dự án trên địa bàn phường đang và sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian sắp tới thì số dân của phường này sẽ tăng lên tới khoảng 4 vạn người. Còn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) chưa kể dân của các khu đô thị lớn và hàng loạt dự án nhà ở, khu chung cư khác trên địa bàn đang đưa vào sử dụng đã có trên 4 vạn dân. Vì thế, thời gian tới, dân số phường này có thể tăng trên 8 vạn. Trong gần 10 năm qua, dân số của phường Láng Hạ (quận Đống Đa) tăng từ 2,2 vạn lên trên 3,2 vạn người. Đó là chưa kể khoảng 7.000 người tạm trú trên địa bàn gồm: Học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh. Theo quy hoạch các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, số lượng sinh viên tại trung tâm Hà Nội đến năm 2020 là khoảng 30 vạn, nhưng đến cuối năm 2014 đã tăng lên 66 vạn.
Trong 5 năm qua, dân số Hà Nội tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu, trong đó phần lớn là người nhập cư. Theo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, không tính người dân về Hà Nội làm ăn theo mùa vụ và người vãng lai thì mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, khu vực trung tâm có mật độ cao nhất. So với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN (mật độ trung bình ở mức từ 100 đến 200 người/km2) thì mật độ dân số của Hà Nội là quá cao. Chưa cần phương tiện chỉ cần từng ấy con người đứng cạnh nhau cũng đã là cả vấn đề rồi.
Kèm theo số dân là các phương tiện giao thông cá nhân. Theo thống kê, tính đến tháng 6-2015, số ô tô, xe máy ở Hà Nội là 5,5 triệu xe và trung bình số đăng ký mới hằng tháng là 19.000 xe. Dân số và phương tiện giao thông cá nhân tăng theo "cấp số nhân" trong khi hạ tầng giao thông tăng theo "cấp số cộng" thì tắc và ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm là điều dễ hiểu. Và có tài thánh trong quản lý đô thị cũng không thể giảm được ùn tắc. Ai cũng biết, để tránh ùn tắc thì cần phải mở rộng đường, làm đường mới, đầu tư tàu điện ngầm, nhưng vốn ở đâu? Tìm nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông không chỉ là khó khăn của riêng Hà Nội. Mới đây, Bộ GT-VT đã tổ chức hội thảo lớn về vấn đề này.
Và trước khi hạ tầng đủ đáp ứng cho giao thông thì việc cần làm trước mắt và trung hạn là phải giảm áp lực dân số ở khu vực trung tâm, giảm số dân đổ về Hà Nội. Nhưng Hiến pháp 2013 quy định mọi công dân đều có quyền sinh sống ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam thì chỉ còn cách thực hiện nghiêm túc việc chuyển trụ sở của các bộ, ngành, các trường đại học, cơ sở y tế (đã được Chính phủ phê duyệt) ra xa khu vực trung tâm. Các tỉnh, thành phố cũng phải tìm mọi cách phát triển kinh tế để tạo nhiều việc làm cho người dân, đồng thời xây dựng những "thị xã, thành phố đáng sống, đáng đến", chỉ có thế mới hạn chế tình trạng ly hương. Bản thân Hà Nội cũng cần thực hiện đúng quy định về tỷ lệ sinh con. Nếu không giảm áp lực dân số thì trước mắt và tương lai, giao thông sẽ còn ùn tắc như sáng 8-10.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.