(HNM) - Năm 1968, trong các ngày từ 10 đến 19-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lại và viết lại bản Di chúc. Trong đó, có những lời Người dành riêng cho phụ nữ.
Phụ nữ Việt Nam luôn góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất. Ảnh: Thái Ngọc Linh |
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ". Không chỉ trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ, làm thế nào để giúp phụ nữ bình đẳng, phát triển tiến bộ. Người đã ghi nhận, đánh giá cao truyền thống quý báu, những đóng góp của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: "Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước". Ngày 9-3-1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, Bác dặn dò phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ của mình: "Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta"…
Thực hiện lời dạy của Bác, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Ðảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng, các nghị quyết và chỉ thị của TƯ Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước". Trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, năm 2013, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 55-KL/TƯ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa X. Kết luận khẳng định, công tác phụ nữ là vấn đề lớn, quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 11-NQ/TƯ đã đề ra. Trong đó, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, thể chế hóa nội dung nghị quyết, đặc biệt quan tâm thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu; tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển; có chính sách phù hợp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số.
Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Hệ thống luật pháp, chính sách về phụ nữ ngày càng được hoàn thiện, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030...
Những chủ trương, chính sách phù hợp cùng với xu thế phát triển chung đã tạo động lực giúp người phụ nữ vươn lên, khắc phục khó khăn, trở ngại đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã bền bỉ cống hiến, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng cách mạng quan trọng. Và trong công cuộc CNH, HĐH đất nước hôm nay, phụ nữ có mặt ở tất cả các lĩnh vực công tác xã hội, ngày càng có nhiều nhà chính trị, nhà khoa học, nữ doanh nhân nổi tiếng… đã, đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, phụ nữ Việt Nam hôm nay đang dần khẳng định các giá trị của người phụ nữ hiện đại năng động, tự tin, ngày càng chứng tỏ được vị thế, vai trò quan trọng của mình trong gia đình và xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, phụ nữ đều có những đóng góp tích cực. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên cấp xã, cấp huyện và nữ đại biểu HĐND các cấp đều tăng; nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%. Đội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa, chỉ tính trong 5 năm gần đây, phụ nữ chiếm gần 40% số người có trình độ thạc sĩ, hơn 21% số người có học vị tiến sĩ. Phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong nhiều lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, nông nghiệp… Đặc biệt, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng hàng triệu phụ nữ Việt Nam thực hiện thiên chức của mình bằng tình yêu thương và trách nhiệm, đã tần tảo, chăm lo, giáo dục con, cháu; trở thành chỗ dựa tinh thần cho gia đình. Từ đó góp phần giữ vững ổn định xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phụ nữ vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác phụ nữ, còn biểu hiện coi công tác phụ nữ là trách nhiệm của Hội LHPN và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hệ thống văn bản pháp luật về bình đẳng giới, chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển còn thiếu đồng bộ. Công tác truyền thông và giáo dục về bình đẳng giới, về xây dựng gia đình chưa thường xuyên. Một bộ phận phụ nữ chưa thực sự phấn đấu vươn lên… Từ đó đặt ra cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành đoàn thể và chính chị em phụ nữ phải tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn lời dạy của Bác trong Di chúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.