(HNM) - Thủ đô Hà Nội đã và đang cùng cả nước tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, chủ động hội nhập thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững. Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội có quyền tự hào với những kết quả đạt được trong suốt quá trình thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28-6-2016 của Thành ủy về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”.
Kết quả tích cực
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, những năm qua, Hà Nội đạt nhiều thành tựu kinh tế rất đáng ghi nhận, trong đó đặc biệt là việc nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực tế đó được minh chứng qua những con số đầy thuyết phục. Thành phố thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính trên diện rộng. Tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông đạt 97,33%. Hà Nội cũng đứng thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, với tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 100%.
Đặc biệt, Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, kết hợp nâng cao sức cạnh tranh và cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hiện, Thủ đô xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu toàn quốc.
Những thực tế trên góp phần thúc đẩy doanh nghiệp ra đời, phát triển. Tính đến hết tháng 8-2020, Hà Nội có 295.938 doanh nghiệp. Đấy chính là lực lượng tạo ra tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn.
Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015 và đứng đầu cả nước trong các năm 2018, 2019.
Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tăng dần tỷ trọng dịch vụ, thương mại, công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân nổi lên, đóng góp nhiều nhất vào GRDP, từ 37,5% năm 2015 tăng lên hơn 40% năm 2019. Xu hướng này cũng đang tiếp tục diễn ra, thể hiện rõ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân.
Kiên trì cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp, lấy kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công tác. Đó cũng là giải pháp thiết thực để huy động nguồn lực, bảo đảm tăng trưởng bền vững, hội nhập quốc tế có hiệu quả.
Hằng năm, lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
Chia sẻ về nội dung trên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Chaun Choung - Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) Nagai Junichi cho rằng, Hà Nội là địa chỉ đầu tư hứa hẹn nhờ môi trường đầu tư liên tục cải thiện. Hiện, đơn vị này đang triển khai dự án tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhắm tới việc hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki nhấn mạnh tính hấp dẫn của một đô thị gần 10 triệu người tiêu dùng để quyết định phát triển trung tâm thương mại kết hợp bãi đỗ xe ở quận Hoàng Mai. “Chúng tôi xác định Hà Nội là trọng điểm đầu tư”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Hà Nội là điển hình của sự vươn lên, trên tinh thần cầu thị để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh. Trong đó, Hà Nội đã tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu gia nhập thị trường của doanh nghiệp…
Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh xác nhận, chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Hà Nội cải thiện rõ rệt, liên tục qua thời gian và khá đồng đều ở các cấp độ, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Vinapro Tạ Ngọc Hùng xác nhận, các chính sách, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng rõ, thuận lợi.
Từ góc nhìn của chuyên gia, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, việc liên tục thăng hạng và vươn lên tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về PCI là kết quả đáng ghi nhận... Một số chỉ số quan trọng như “gia nhập thị trường”, “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” của Hà Nội được xếp hạng cao, hậu thuẫn cho doanh nghiệp phát triển và trở thành thực tế ấn tượng với các chuyên gia.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục áp dụng những chính sách phù hợp, hoàn thiện và nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực. Đặc biệt, thành phố đã phân công các đầu mối, sở, ngành chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai việc cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần cụ thể trong bảng PCI. Đơn cử, chỉ số “chi phí thời gian” được giao cho Sở Nội vụ, chỉ số “tính minh bạch” được giao cho Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội triển khai...
Hà Nội cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt, đẩy mạnh kinh tế tri thức, gắn sản xuất kinh doanh với tái cơ cấu kinh tế, chủ động hội nhập, thúc đẩy khởi nghiệp để đạt những thành tựu mới, xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô...
Như vậy, Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy đã thu được những kết quả tích cực; từ đó nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tạo đà tăng trưởng với chất lượng cao hơn trong giai đoạn sau.
- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hà Nội bình quân giai đoạn 2016-2020 ước tăng 7,39%/năm, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%), cao hơn mức trung bình giai đoạn 2011-2015 là 6,93%. GRDP năm 2020 ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng. GRDP bình quân tính theo đầu người năm 2020 ước đạt 5.420 USD/người, gấp 1,8 lần mức trung bình cả nước.
- Hà Nội đóng góp 16% vào mức tăng trưởng GDP, 18,5% thu ngân sách cả nước.
- Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1.742 nghìn tỷ đồng, đạt mục tiêu của Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ thành phố Hà Nội và bằng 39,2% GRDP.
- Lũy kế 5 năm (2016-2020), Hà Nội có khoảng 130.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn hơn 1.236 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 100%; bảo đảm chất lượng và đúng hạn.
- Hà Nội đã hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách như đường Vành đai II đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, nút giao thông trung tâm quận Long Biên, cầu vượt nút Bắc Hồng, đường Vành đai I đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, cầu vượt An Dương, cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên... Thành phố đang tập trung thi công, hoàn thành toàn bộ đường Vành đai II đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, dự án cầu vượt hồ Linh Đàm, mở rộng đường Phạm Văn Đồng, đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội), dự án mở rộng đường Pháp Vân - Cầu Giẽ...
- Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, với diện tích 1.330ha và thu hút 3.864 hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký 7.400 tỷ đồng, cho tổng doanh thu 7.000 tỷ đồng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.