(HNMO) - Chiều 10-1, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 03-CTr/TU) đã chủ trì hội nghị của Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả năm 2022, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU...
Những kết quả nổi bật
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong (đại diện cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) cho biết, năm 2022, Ban Chỉ đạo đã kịp thời ban hành kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 03-CTr/TU.
Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU đã trực tiếp kiểm tra dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; tình hình Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm định, quy hoạch các khu chung cư cũ; công tác cải tạo, chỉnh trang nhà biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.
Ban Chỉ đạo cũng tổ chức 2 đoàn kiểm tra để tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chương trình tại 8 đơn vị: Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Công Thương; các Quận ủy: Ba Đình, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo đã đánh giá được tình hình thực hiện chương trình tại các đơn vị, đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị phát huy những kết quả đã đạt được, tháo gỡ các khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ban Chỉ đạo cũng đã giao các sở, ngành có liên quan khẩn trương giải quyết các kiến nghị, đề xuất của đơn vị theo thẩm quyền; chỉ đạo xây dựng biểu tổng hợp theo dõi tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình. Trong đó, phân công rõ các công trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị cùng với tiến độ khởi công, hoàn thành, nguồn vốn, chủ đầu tư; tổ chức ký cam kết thi đua giữa các quận, huyện, thị xã, ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố với Ban Chỉ đạo về thực hiện các chỉ tiêu của chương trình.
Đến nay, một số chỉ tiêu cơ bản hoàn thành như: “Hoàn thành xây dựng 2-3 siêu thị, trung tâm thương mại lớn”; “Phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ”. Một số chỉ tiêu thực hiện đã có kết quả như: “Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại”; "Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954".
Cùng với đó, một số chỉ tiêu khó đã được Ban Chỉ đạo chương trình tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thực hiện như: Đầu tư xây dựng 20 chợ; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố; hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55%…
Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các chỉ tiêu, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án của chương trình đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả khả quan. Một số cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng làm cơ sở để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình.
Tập trung vào những việc khó
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song quá trình triển khai thực hiện chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của chương trình còn chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Việc soạn thảo, ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án còn chậm. Một số chỉ tiêu còn chậm được triển khai thực hiện như: Đầu tư xây dựng 20 chợ; triển khai đầu tư xây dựng 1-2 khu outlet quy mô lớn...
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, trong năm qua, Ban Chỉ đạo đã hoạt động rất trách nhiệm, bài bản, đôn đốc rất sát sao các phần việc; các quận, huyện, sở, ngành đã có những chuyển biến rất tích cực.
Lưu ý đây là những chương trình có những nội dung rất khó như: Xử lý nước thải, vận tải hành khách công cộng…, do đó, đồng chí Nguyễn Doãn Toản đề nghị cần xây dựng kế hoạch năm 2023 chi tiết từng đầu việc; rõ địa chỉ từng đơn vị, trên cơ sở đó, thành phố phải có văn bản phân bổ các chỉ tiêu về từng đơn vị để triển khai thực hiện.
“Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ phối hợp với Văn phòng UBND thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời khen thưởng những đơn vị làm tốt và nhắc nhở những đơn vị chậm muộn”, đồng chí Nguyễn Doãn Toản nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là chương trình lớn, chương trình khó, nên phải có cách thức, giải pháp phù hợp. Trong năm 2022, thành phố đã triển khai rất nhiều công việc như phòng, chống dịch, thích ứng an toàn, bảo đảm an sinh xã hội…, song các đơn vị cũng đã triển khai thực hiện chương trình có trách nhiệm, nhiều cách làm sáng tạo, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, bộ mặt đô thị được khang trang hơn, sáng - xanh - sạch - đẹp như phố đi bộ, cải tạo biệt thự cũ, vườn hoa, công viên, trồng thêm nhiều cây xanh…
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị các đơn vị tập trung đối chiếu, rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu đã được ký giao ước thi đua, định lượng cụ thể để triển khai có chất lượng, hiệu quả, thực chất. Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo để thực hiện tốt. Thành viên Ban Chỉ đạo, tổ công tác duy trì công tác giao ban, kiểm tra, đôn đốc, trong đó, cần tập trung vào những chỉ tiêu khó thực hiện như nước thải, chợ, cải tạo biệt thự cũ…
Cùng với việc tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các quận, huyện, thị xã; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác phối hợp giữa thành viên ban chỉ đạo, giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong quá trình thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.