Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định quan hệ không thể tách rời

Minh Hiếu| 20/05/2018 07:09

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Liên minh Châu Âu (EU) với các nước vùng Tây Balkan vừa diễn ra tại thủ đô Sofia (Bulgaria) với chủ đề chính là tăng cường kết nối và tái khẳng định cam kết của EU đối với khu vực này.

Các nhà lãnh đạo EU tái khẳng định cam kết đối với vùng Balkan.


Trong những năm qua, khu vực Balkan ngày càng được chú trọng trong các chương trình nghị sự của EU, bởi đây là một trong những cửa ngõ chính của người di cư đổ vào Châu Âu thông qua tuyến đường bộ phía Đông Nam. Lục địa già cũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước Balkan trong bối cảnh Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện những bước đi mạnh mẽ nhằm tăng cường ảnh hưởng tại vùng này. EU hiện là đối tác thương mại số 1 của khu vực Tây Balkan. Hiện, quan hệ thương mại giữa EU và các nước Tây Balkan chiếm hơn 70% tổng giá trị thương mại, so với tỷ lệ 6% với Trung Quốc, 5% với Nga và 4% với Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực này cũng đã tiếp nhận những khoản viện trợ khổng lồ về tài chính và nguồn lực từ EU để ứng phó với các thảm họa tự nhiên.

Song ở thời điểm hiện tại, ưu tiên của EU dành cho chính sách mở rộng về phía Đông đã phải tạm nhường chỗ cho những vấn đề cấp bách khác, trong bối cảnh khối này đang phải đương đầu với tình trạng suy thoái về kinh tế, sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, bảo hộ thương mại, tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit), cuộc khủng hoảng người nhập cư và những vấn đề quốc tế khác. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã tránh đề cập tới thời điểm các nước Balkan có thể trở thành thành viên của “mái nhà chung”, dù chiến lược mở rộng của EU coi Serbia và Montenegro là những ứng cử viên sẽ gia nhập khối vào năm 2025. Giới quan sát nhận định, lập trường chính trị không rõ ràng của EU về tư cách thành viên tương lai của 6 nước Balkan có nguy cơ khiến các nước này có chút thất vọng và không "mặn mà" với những cam kết chung.

Tuy nhiên, hội nghị đã phần nào thành công trong việc thiết lập khuôn khổ hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa EU và các nước Balkan, đặc biệt là trong vấn đề người di cư, thông qua Tuyên bố Sofia. Lãnh đạo EU cam kết tiếp tục hỗ trợ vùng Balkan phát triển hạ tầng, đổi lại các nước này sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong việc ngăn chặn dòng người di cư từ Địa Trung Hải tràn vào Châu Âu qua tuyến đường Balkan và hợp tác chia sẻ thông tin phòng chống khủng bố, giải quyết các thách thức về an ninh. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã công bố các gói viện trợ mới nhằm khôi phục kinh tế, tài chính và thúc đẩy khả năng kết nối trong khu vực với EU, trong đó nổi bật là khoản tài trợ trị giá 190 triệu euro cho 11 dự án giao thông đường bộ, đường sắt, hải cảng. Các nhà lãnh đạo cũng đề cao việc giải quyết vấn đề tham nhũng, tội phạm có tổ chức - mối đe dọa đối với sự ổn định của các nước Balkan và cũng là rào cản lớn trên con đường gia nhập EU.

Dù vậy, chủ đề chính của hội nghị là tăng cường liên kết khu vực đã phần nào bị lu mờ khi sự kiện này "bất đắc dĩ" trở thành cuộc họp khẩn của các nước Châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, khi quyết định của Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đang gây tác động bất lợi cho Châu Âu cả về phương diện kinh tế và an ninh. Tại Sofia, các nhà lãnh đạo EU khẳng định sẽ luôn ủng hộ JCPOA nếu Iran tôn trọng thỏa thuận này, nhất trí duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Tehran và bảo vệ các doanh nghiệp Châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những động thái của Washington.

Dù không có quyết định quan trọng nào được đưa ra trong các cuộc họp tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra, song đây vẫn là kênh hợp tác, đối thoại quan trọng bởi mối quan hệ giữa các nước EU và khu vực Balkan có sự liên hệ chặt chẽ không thể tách rời khi đặt trong cục diện địa chính trị tại khu vực. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cũng đã khẳng định, đầu tư vào sự ổn định và thịnh vượng của Tây Balkan là sự đầu tư vào an ninh và tương lai của EU.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định quan hệ không thể tách rời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.