(HNM) - Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018 được thông qua trong tháng 11- 2017 với 36 môn thi đấu. Là chủ nhà của kỳ đại hội, thể thao Hà Nội đang đứng trước nhiều thử thách trong việc khẳng định ngôi vị của mình...
Vị thế hàng đầu
Thực tế, Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018 (gọi tắt là đại hội) chỉ dành cho vòng chung kết, trong đó có sự chú trọng rõ ràng với các môn thể thao thành tích cao. Vì thế, khác với trước, tên gọi của đại hội lần này không còn từ “Thể dục” - vốn hướng về thể thao quần chúng.
Đô vật Vũ Thị Hằng là một trong những gương mặt nổi bật của thể thao Hà Nội. |
Như vậy, tại đại hội, những đơn vị không tập trung đầu tư cho thể thao thành tích cao sẽ không dễ có huy chương. Sự chú trọng với thể thao thành tích cao và những môn có trong chương trình thi đấu Olympic là một cách để hướng các địa phương, ngành vào việc tập trung đầu tư cho vận động viên, những môn và nhóm môn mũi nhọn, qua đó giúp thể thao Việt Nam có nguồn vận động viên phong phú, chất lượng. Với chu kỳ bốn năm tổ chức một lần, đại hội còn là dịp để các đơn vị đánh giá quá trình đầu tư cho thể thao thành tích cao của đơn vị mình.
Xét ở khía cạnh nêu trên, vị thế của thể thao Hà Nội đã được khẳng định trong thời gian qua, khi mà ngành Thể thao Thủ đô từng nhiều lần được lãnh đạo thành phố khen ngợi vì luôn đứng đầu trong 4 kỳ đại hội gần đây. Vị thế đó còn thể hiện qua số lượng huy chương mà các vận động viên Hà Nội đã giành được tại các sự kiện thể thao quan trọng như ASIAD, SEA Games, cũng như việc thể thao Thủ đô luôn thuộc số đơn vị có nhiều vận động viên nhất tham gia Đoàn thể thao Việt Nam tranh tài tại các đại hội thể thao tầm cỡ châu lục, thế giới. Vị thế đã được khẳng định là động lực để cán bộ quản lý, huấn luyện viên, vận động viên Hà Nội hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình.
Trách nhiệm đó càng lớn hơn khi đại hội không chỉ là dịp để khẳng định vị thế của ngành Thể thao, mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh Thủ đô đang trên đà phát triển về mọi mặt.
Nhiệm vụ nặng nề
Trong thời gian qua, khi thể thao Thủ đô vẫn đầu tư cho hơn 30 môn thì các tỉnh, ngành, thành phố khác lại tập trung cho một số môn mũi nhọn vốn là thế mạnh của Hà Nội. Quảng Bình đầu tư môn lặn, Bắc Giang tập trung môn đá cầu, Vĩnh Phúc chú trọng phát triển canoeing… Kết quả là vận động viên ở những nơi này đã vượt Hà Nội trong những giải vô địch quốc gia gần đây. Vì thế, sự cạnh tranh tại đại hội kỳ này sẽ quyết liệt hơn, không dễ cho thể thao Hà Nội.
Ngoài ra, không thể không kể đến sự vươn lên của thể thao TP Hồ Chí Minh. Cho đến nay, trong cả 7 kỳ đại hội, cuộc cạnh tranh ngôi đầu chỉ diễn ra giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại đại hội năm 2018, thể thao TP Hồ Chí Minh chắc chắn đề ra mục tiêu giành lại ngôi đầu, như từng sở hữu vào 3 kỳ đại hội đầu tiên. Hiện tại, sau một thời gian dài đầu tư xây dựng lực lượng cũng như chiêu mộ vận động viên tài năng, thể thao TP Hồ Chí Minh đang có cơ hội lấy lại ngôi đầu.
Cân đong đo đếm cụ thể, có thể thấy thể thao TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội giành vị trí thứ nhất ở môn bơi, lặn, võ cổ truyền, vovinam, nội dung quyền của môn taekwondo, thể dục aerobic, judo, thể hình, cử tạ… Đó là những môn thi có nhiều bộ huy chương, sẽ tác động đáng kể đến thứ hạng toàn đoàn. Hơn nữa, ở một số môn mà các vận động viên TP Hồ Chí Minh thường tỏ ra thất thế trước các vận động viên Hà Nội tại các kỳ đại hội trước đây như bắn súng, thể dục dụng cụ, cờ vua…, thì tình thế hiện đã khác. Nhờ được đầu tư mạnh mẽ về nhiều mặt, các vận động viên TP Hồ Chí Minh đã tiến bộ vượt bậc. Chính sự vươn lên ở những môn này đã giúp các vận động viên TP Hồ Chí Minh rút ngắn đáng kể khoảng cách so với thể thao Hà Nội, tạo hy vọng tranh chấp ngôi vô địch toàn đoàn.
Trong khi đó, thể thao Hà Nội chỉ trông vào một số môn thế mạnh như wushu, pencak silat, bắn cung, kiếm quốc tế, vật… để hy vọng tạo nên sự đột phá trên bảng xếp hạng. Với những môn như taekwondo, karatedo, cử tạ, boxing nữ, cầu lông, bóng ném, bi sắt, bowling, thể dục dụng cụ, bóng bàn…, các vận động viên chỉ có thể tạo thế so kè với đoàn TP Hồ Chí Minh và một số đoàn mạnh khác.
Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng cho rằng, trong khoảng mười năm trở lại, đây là kỳ đại hội có nhiều thách thức nhất đối với thể thao Hà Nội. Cuộc so kè giữa hai đơn vị mạnh nhất toàn quốc sẽ rất thú vị. Đó là nhận xét của “người ngoài cuộc”. Với những người làm thể thao Hà Nội, áp lực có lẽ lớn hơn nhiều, bởi tất cả đều hiểu rõ ý nghĩa của kỳ đại hội đối với Thủ đô.
36 môn thể thao tại đại hội gồm: Điền kinh, bơi, thể dục (thể dục dụng cụ, thể dục aerobic), đua thuyền (rowing, canoeing), bóng đá (bóng đá 11 người, futsal nam), bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, vật, boxing, kiếm, cầu lông, quần vợt, bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ, xe đạp, bóng bàn, golf, karatedo, wushu, pencak silat, cờ vua, cầu mây, billiard & snooker, khiêu vũ thể thao, bowling, thể hình, muay, bi sắt, vovinam, võ cổ truyền, đá cầu, lặn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.