Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương giải ngân nguồn vốn chính sách

Đỗ Minh| 22/08/2021 05:34

(HNMO) - Thời gian qua, Hà Nội đã thi hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có việc đẩy mạnh cho vay hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết sẽ khẩn trương giải ngân nguồn vốn chính sách đến các đối tượng thụ hưởng để kịp thời khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Chủ động đồng hành với người yếu thế

- Dịch Covid-19 đã tác động thế nào đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng phục vụ - khách hàng mang tính đặc thù là những người yếu thế, hộ nghèo, người lao động và các đối tượng chính sách, thưa ông?

- Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp đã tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Nhiều hộ vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, nay đến hạn trả nợ nhưng chưa có khả năng trả nợ do bị ảnh hưởng liên tiếp của dịch từ năm 2020 đến nay. Tháo gỡ khó khăn này, chúng tôi đã phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền các cấp gia hạn nợ cho 6.198 khách hàng với số tiền gần 195 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giao dịch tại các UBND xã, phường, thị trấn trong điều kiện phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đặc biệt, từ cuối tháng 7-2021 đến nay, toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên chúng tôi cũng phải dừng các phiên giao dịch theo lịch cố định tại các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên từ đầu năm 2021 đến nay, với chương trình tín dụng cho vay các đối tượng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân cho vay gần 77.000 khách hàng với số tiền là 3.123 tỷ đồng.

- Ngày 21-7-2021, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 3642/QĐ-UBND về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.  Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc triển khai quyết định này?

- Quyết định số 3642/QĐ-UBND đề cập việc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội phải thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, với thời hạn dưới 12 tháng.

Chúng tôi đã chủ động phối hợp với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội… để tuyên truyền chính sách, đồng thời công khai tại các điểm giao dịch UBND cấp xã về quy trình thủ tục cho vay; hướng dẫn, tạo điều kiện để người sử dụng lao động đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, dễ dàng và thuận lợi nhất.

Ngay sau khi Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã triển khai tập huấn tới 100% cán bộ trong đơn vị, chỉ đạo các Phòng giao dịch tại các quận, huyện, thị xã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này để triển khai kịp thời chính sách cho vay mới, tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người sử dụng lao động và người lao động.

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, vậy Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã có kết quả thế nào khi triển khai chủ trương này, thưa ông?

- Tính đến ngày 20-8, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã liên hệ, rà soát tổng số 2.692 người sử dụng lao động là các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó giải ngân hơn 10 tỷ đồng cho người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 2.279 lượt lao động.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan chức năng tiếptục tuyên truyền phổ biến chính sách, đặc biệt là phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội, thuế để hướng dẫn, giúp đỡ người sử dụng lao động trong việc hoàn thiện hồ sơ kịp thời giải ngân nhanh nhất.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

- Mới đây, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã nhất trí bổ sung 500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách năm 2021 để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về gói tín dụng này?

- Bên cạnh việc chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời chính sách tín dụng đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do dịch  Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CPngày 1-7-2021 của Chính phủ, ngày 13-8-2021, Thường trực HĐND thành phố đã có Công văn số 217/HĐND-KTNS thống nhất với đề xuất của UBND thành phố về việc bổ sung 500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là lần thứ hai thành phố chuyển vốn để cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay (năm 2020 đã chuyển 650 tỷ đồng).

Với nguồn vốn này, người lao động có thể tiếp cận, hưởng lợi từ chính sách rất nhân văn của thành phố để ổn định cuộc sống. Qua đó thể hiện sự quan tâm, kịp thời chăm lo đời sống người dân của thành phố tới hộ nghèo, các đối tượng chính sách và người lao động trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn đối với tình hình sản xuất, kinh doanh, thu nhập, việc làm và đời sống người dân. Có thể nói, qua việc này một lần nữa khẳng định tinh thần nhất quán là thành phố Hà Nội không để ai bị bỏ lại phía sau.

- Vậy Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội sẽ triển khai nguồn vốn hỗ trợ nêu trên như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi hiện đang tích cực phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố thực hiện quy trình bổ sung nguồn vốn 500 tỷ đồng và sẽ tham mưu UBND thành phố phân bổ về các quận, huyện, thị xã.

Thành phố tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 6-9-2021, trong thời gian này Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn để sẵn sàng sau giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh được kiểm soát sẽ giải ngân khẩn trương đến các đối tượng thụ hưởng bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương giải ngân nguồn vốn chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.