Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả nhờ nguồn vốn chính sách ở Gia Lâm

Ánh Dương| 07/04/2023 07:39

(HNM) - Bám sát mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm đã tích cực phối hợp với chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, mô hình trồng hoa, cây cảnh của gia đình anh Đàm Thanh Tùng (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) cho thu nhập ổn định.

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm Đặng Văn Lâm, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác để triển khai cho vay vốn tại cơ sở bảo đảm đúng đối tượng. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn cũng quan tâm chỉ đạo việc thực hiện hoạt động tín dụng chính sách tại địa bàn, đôn đốc việc trả nợ đến hạn, không để xảy ra tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn. Các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Điển hình là gia đình anh Đàm Thanh Tùng, ở thôn Trung Quang (xã Văn Đức), được Huyện đoàn Gia Lâm giới thiệu để Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng đầu tư trồng hoa, cây cảnh, cây công trình. Sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi đã giúp anh Tùng thành công với mô hình phát triển kinh tế này. Năm 2021, anh Tùng tiếp tục được vay thêm vốn từ chương trình giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng diện tích sản xuất. Đến nay, trang trại trồng hoa, cây cảnh của anh Tùng có quy mô lên đến hàng chục nghìn cây, cho thu nhập ổn định.

Thông qua các chương trình tín dụng và chính sách an sinh xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua Đoàn thanh niên huyện Gia Lâm đạt gần 9 tỷ đồng, giúp 239 hộ đoàn viên thanh niên có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế.

Cũng thông qua nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân xã Đa Tốn đang có 192 hộ hội viên được vay vốn tạo việc làm, phát triển kinh tế với tổng số hơn 10,7 tỷ đồng. Điển hình như hộ ông Trần Chí Nguyện ở thôn Thuận Tốn được vay 50 triệu đồng, đầu tư trồng bưởi Diễn trên diện tích 1 mẫu. Hay như bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Khoan Tế vay 50 triệu đồng, đầu tư xây dựng trang trại vườn - ao, cho hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Tốn Lê Thanh Phương cho biết, mỗi năm, Hội Nông dân xã phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức giải ngân từ 3 đến 4 đợt vay vốn, tổng dư nợ hằng năm của Hội Nông dân xã đạt 11-12 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Hiện, Hội Nông dân xã đang tiếp nhận đăng ký của gần 30 hộ hội viên có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, dự kiến trong tháng 4 và 5-2023, các hộ hội viên sẽ được ngân hàng giải ngân.

Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm, đến nay, tổng nguồn vốn của đơn vị đạt hơn 500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương là 265,138 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương hơn 239 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 187 tỷ đồng với 4.838 lượt khách vay… Đáng chú ý, từ nguồn vốn này, có 3 hộ thoát nghèo được vay để đầu tư phát triển kinh tế, tránh tái nghèo; 1 đối tượng thuộc chương trình cho vay nhà ở xã hội; 2.944 lao động được vay để giải quyết việc làm, tăng thu nhập; gần 2.000 hộ được vay theo chương trình nước sạch vệ sinh môi trường…

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn khẳng định, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay đã góp phần tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế của huyện, nhất là đầu tư phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp chuyên canh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, việc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, tăng hộ khá, giàu, giảm hộ cận nghèo, ổn định cuộc sống đối với các hộ khó khăn về nhà ở... Nguồn vốn vay cũng được các hội viên, nông dân sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực về kinh tế và xã hội, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa hội viên với tổ chức hội tại cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả nhờ nguồn vốn chính sách ở Gia Lâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.