Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an sinh từ nguồn vốn chính sách

Đỗ Minh| 06/02/2023 06:48

(HNM) - Nguồn vốn chính sách đã kịp thời đến đúng đối tượng, nhiều hộ kinh doanh, hộ gia đình đã vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế, hỗ trợ các địa phương bảo đảm an sinh xã hội... Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội phấn đấu, năm 2023 sẽ bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn...

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Xuyên giải ngân cho đối tượng chính sách, hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Ảnh: Thu Nghĩa

Kịp thời hỗ trợ người dân

Những năm 2021, 2022 dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Để giúp người dân, hộ gia đình sớm ổn định cuộc sống, nhiều trường hợp đã được hỗ trợ nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.

Bà Lê Thị Thục ở tổ dân phố 2, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) cho biết: Ngay thời điểm giữa năm 2022, gia đình tôi đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng để duy trì hoạt động, ổn định kinh doanh.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 08-CTr/TU), các địa phương đã phân bổ ngân sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để kịp thời hỗ trợ người dân.

Theo Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Hà Đông Phạm Thị Liên, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, năm 2022, quận Hà Đông được giao kế hoạch là 21 tỷ đồng, đến ngày 31-12-2022 cho vay được 17,62 tỷ đồng; giải ngân nguồn vốn giải quyết việc làm cho 5.990 lao động... Nguồn vốn này góp phần giảm số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn trung bình khoảng 60 hộ mỗi năm; thu hút và tạo việc làm mới thường xuyên cho 1.100 lao động...

Thông tin thêm về hiệu quả từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Bí thư Huyện đoàn Thường Tín Lê Đức Thọ cho biết, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã ủy thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi qua Đoàn thanh niên với 20 tổ tiết kiệm vay vốn. Tổng dư nợ ủy thác do Huyện đoàn quản lý theo 6 chương trình vay là 29.768 triệu đồng. Trong đó, dư nợ vay hộ nghèo là 50 triệu đồng; hộ cận nghèo là 100 triệu đồng; hộ thoát nghèo là 1.510 triệu đồng… Nguồn vốn này đã giúp 606 đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế.

Bảo đảm an sinh xã hội

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh, năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 12.955 tỷ đồng, 259 nghìn khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay, tăng 1.169 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng là 10% so với năm trước.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách giải ngân trong năm 2022 đã giúp trên 800 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 90.200 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 99.300 lao động; hỗ trợ vốn cho 260 lượt học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập; hỗ trợ kinh phí cho 30.500 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 61.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…

“Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống...” - bà Lê Thị Đức Hạnh khẳng định.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách trong đời sống xã hội, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, năm 2023 huyện đã xây dựng kế hoạch ủy thác bổ sung để gia tăng nguồn vốn chính sách, kịp thời hỗ trợ người dân.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng trưởng dư nợ gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn...

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh nhấn mạnh, Chi nhánh phấn đấu năm 2023, bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương phấn đấu tăng khoảng 300-600 tỷ đồng so với năm 2022; tích cực đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế; nguồn tiền gửi của tổ viên qua tổ tiết kiệm và vay vốn; bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023.

Tăng cường hiệu quả hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu HĐND, UBND thành phố xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng và thực hiện tốt Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của thành phố về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an sinh từ nguồn vốn chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.