(HNM) - Được sử dụng nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống hằng ngày là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân. Thế nhưng, do hạ tầng hệ thống cấp nước còn nhiều bất cập nên nhu cầu chính đáng này của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn của Hà Nội, vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Hiện nay, tổng công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước đô thị trên địa bàn TP Hà Nội chỉ vào khoảng hơn 1.000.000m3/ngày, đêm. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, dự báo nhu cầu sử dụng nước ở khu vực đô thị và nông thôn liền kề ngày càng tăng cao, đến năm 2020 là khoảng hơn 1.500.000 m3/ngày, đêm và đến năm 2030 là hơn 2.300.000m3/ngày, đêm. Như vậy, “cầu” của người dân đang vượt xa so với khả năng “cung” về nước sạch của thành phố.
Điều đáng lo ngại là hiện nguồn cấp nước cho đô thị chủ yếu là nước ngầm, nhưng đang bị suy giảm mạnh về trữ lượng và đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm. Trong khi đó, sau hơn 4 năm thực hiện Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, việc đầu tư phát triển các nhà máy cấp nước mới, nhất là những nhà máy sử dụng nước mặt, không theo kịp kế hoạch bổ sung nguồn cấp nước cho thành phố. Chưa kể, chính đồ án quy hoạch cũng đã bộc lộ một số bất cập... Trong bối cảnh đó, việc tính toán lại nhu cầu dùng nước và điều chỉnh các phương án cấp nước, đặc biệt là mục tiêu đáp ứng nhu cầu thiết yếu này cho cả khu vực đô thị và nông thôn đang là yêu cầu cấp thiết, đồng thời cũng là bài toán khó đặt ra cho các cơ quan chức năng của Hà Nội.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước góp phần bảo đảm sức khỏe nhân dân, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước, phát triển hệ thống cấp nước cho cả khu vực đô thị và nông thôn, TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ điều chỉnh cấp nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12-2017.
Trong đó, một vấn đề được đặt ra là chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang sử dụng nước mặt. Đây là việc cần thiết, song giảm sử dụng nguồn nước ngầm tại khu vực nào, giảm đến mức độ bao nhiêu cần phải gắn với việc đánh giá về chất lượng và trữ lượng tại khu vực đó, cũng như lộ trình đầu tư các nhà máy nước mặt mới. Trong khi các nhà máy khai thác nước ngầm vẫn đạt tiêu chuẩn thì cần đưa về chế độ dự phòng, bảo đảm an ninh nguồn nước hoặc trở thành các trạm điều tiết áp lực để phục vụ cấp nước, tránh lãng phí.
Đáng chú ý là chất lượng nguồn nước mặt (sông Hồng, sông Đuống, sông Đà dự kiến được khai thác cấp nước cho thành phố) cũng cần được kiểm soát chặt chẽ trước nguy cơ bị ô nhiễm do chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất. Nhất là khi lưu lượng nước còn phụ thuộc vào dòng chảy qua nhiều địa phương và từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên việc kiểm soát, sử dụng nguồn nước này chắc chắn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, trong quá trình lập quy hoạch cấp nước điều chỉnh, lộ trình cắt giảm việc khai thác nước ngầm cũng sẽ được nghiên cứu kỹ để không ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ cung ứng nước cho khách hàng; gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh nước sạch. Cùng với đó, quy hoạch điều chỉnh cần phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước; quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu; sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính của các đô thị, các huyện, xã trong TP Hà Nội...
Cuối cùng, dù quy hoạch thế nào thì mỗi người chúng ta đều phải ý thức được việc sử dụng nước tiết kiệm, vì nước là nguồn tài nguyên quý giá.
Khẩn trương điều chỉnh quy hoạch để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân - ấy là sự điều chỉnh cần thiết và cấp thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.