(HNMCT) - Thành phố Jaipur (Ấn Độ) nằm ở ranh giới giữa vùng khí hậu hoang mạc nóng và khí hậu bán hoang mạc nóng nên thời gian thăm thú nơi này lý tưởng nhất là từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau.
Kinh nghiệm du lịch
Thành phố Jaipur (Ấn Độ) nằm ở ranh giới giữa vùng khí hậu hoang mạc nóng và khí hậu bán hoang mạc nóng nên thời gian thăm thú nơi này lý tưởng nhất là từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau.
Jaipur có sân bay quốc tế, tuy nhiên, hiện chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến đây nên du khách phải bay tới Thủ đô New Delhi sau đó tiếp tục di chuyển đến Jaipur. Du khách có thể chọn đi máy bay (mất khoảng 45 phút) hoặc đi tàu (mất khoảng 4 giờ).
Một số điểm tham quan tại Jaipur
Pháo đài Amer là điểm đến không thể bỏ qua. Nằm trên đỉnh đồi ở thị trấn Amer, cách trung tâm thành phố khoảng 15km, Pháo đài Amer được xây dựng vào thế kỷ XVI và là một trong những pháo đài đồ sộ nhất của Ấn Độ. Pháo đài thu hút du khách bằng sự hài hòa tuyệt vời giữa phong cách kiến trúc Hindu và Mughal, hội trường lớn được trang trí xa hoa, những tác phẩm nghệ thuật có từ nhiều thế kỷ cùng khung cảnh hồ nước và vườn cây đẹp như tranh vẽ. Pháo đài Amer là một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Cung điện Thành phố (City Palace) là một trong những công trình ấn tượng nhất tại Jaipur bởi sự đồ sộ và một màu hồng đẹp mắt. Nằm ở chính giữa công trình là bộ cửa hình vòm hoàng gia vô cùng độc đáo.
Cung điện Hawa Mahal (Cung điện Gió) không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn được xem là biểu tượng của Jaipur. Cung điện được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII, gây ấn tượng với hơn 1.000 cửa sổ và phong cách kiến trúc đặc trưng của Ấn Độ.
Đài thiên văn cổ Jantar Mantar là một trong 5 đài thiên văn cổ được xây dựng bởi vua Maharaja Jai Singh II. Tại đây có đồng hồ mặt trời bằng đá lớn nhất thế giới. Quần thể này nằm gần Cung điện Thành phố và Cung điện Gió, đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 2010.
Đền thờ Hanuman: Thần khỉ Hanuman là nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Hanuman thường được coi là con trai của thần gió Vayu. Đến đây, bạn sẽ hiểu hơn về văn hóa tín ngưỡng của người Ấn Độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.