(HNM) - Du lịch cộng đồng đang dần trở thành loại hình có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Xu hướng này mang lại nhiều lợi ích, vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, vừa góp phần nâng cao đời sống của người dân, qua đó giúp người dân và các địa phương phát triển bền vững.
Như nhiều địa phương khác trong cả nước, thành phố Hà Nội đã sớm nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế sẵn có là bề dày văn hóa, lịch sử, hệ thống di sản, làng nghề đặc sắc phân bố khá đều ở cả khu vực nội thành và ngoại thành để phát triển du lịch cộng đồng, bước đầu hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự chuyên nghiệp, ví như “mỏ vàng” chưa được khai thác, phát huy hết hiệu quả.
Để ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững, thì khai thác tiềm năng của du lịch cộng đồng có vai trò rất quan trọng và cần thiết. Muốn vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý du lịch cộng đồng; tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng với đó là quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, gìn giữ di sản văn hóa, lịch sử và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp nhằm thu hút du khách.
Một việc làm quan trọng nữa là các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thêm công tác xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng. Nội dung quảng bá cần ưu tiên giới thiệu về mảnh đất, con người, nét văn hóa đặc sắc ở địa phương cùng các thông tin cần thiết. Đặc biệt, để hướng lên chuyên nghiệp, cũng cần tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho người dân ở điểm du lịch, làng nghề, làng cổ có tiềm năng du lịch cộng đồng. Hơn nữa, mỗi người dân cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm, góp tay phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững. Thực tế cho thấy, muốn thu hút khách du lịch thì người dân địa phương phải giữ nếp sinh hoạt truyền thống, cảnh quan môi trường sạch đẹp, an toàn và thân thiện, tạo nhiều trải nghiệm thú vị, ấn tượng với du khách.
Chính quyền các địa phương cũng phải có định hướng, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản, khoa học và thiết thực, coi đó là một mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ xây dựng điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”. Đồng thời, phải có chính sách ưu đãi hấp dẫn, thu hút các đơn vị du lịch khai thác và liên kết xây dựng các tour du lịch; đa dạng hóa loại hình dịch vụ để du khách trải nghiệm, khám phá và tận hưởng những nét đặc sắc về văn hóa, phong tục, nếp sống ở địa phương.
Đối với các doanh nghiệp lữ hành, cần phối hợp giúp địa phương, người dân xây dựng tour, tuyến, sản phẩm du lịch thật đặc sắc, bắt nhịp sở thích của du khách, có tính liên vùng, liên địa phương để thu thút thêm nhiều du khách. Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ lữ hành như đưa đón, nơi lưu trú, thuyết minh, thưởng thức ẩm thực địa phương... Cùng với đó là làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu làm du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.
"Mỏ vàng" du lịch cộng đồng tại Hà Nội nếu được khai thác tốt chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu lớn, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.