(HNM) - Bộ VH-TT&DL vừa giới thiệu về Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II - năm 2016, diễn ra tại tỉnh Hà Giang. Nhân sự kiện này, chợt nghĩ đến những điều hay, cái đẹp và cả sự hạn chế trong công tác tổ chức mô hình ngày hội văn hóa các dân tộc nói chung.
Cần phải khẳng định rằng, mô hình tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc của các vùng miền, khu vực, địa phương đã góp phần giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc đến với du khách, tạo không gian để đại diện cộng đồng dân tộc được gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc anh em. Việc tổ chức những ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật, tìm cơ hội hợp tác phát triển du lịch, thương mại… là điều cần thiết.
Nhưng, bên cạnh việc khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như hiệu quả thực tế từ việc tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, cũng cần xem xét sự hạn chế ở một số khâu trong việc tổ chức hoạt động lễ hội. Trong đó, có những ngày hội, lễ hội các dân tộc, việc trang trí, trình bày tỏ ra tùy tiện và thiếu đổi mới, sáng tạo. Hình ảnh thường đập ngay vào mắt công chúng khi đến dự các sự kiện, lễ hội nói chung, trong đó có những ngày hội văn hóa dân tộc, là chiếc cổng phao to tròn màu xanh, ở trên có hình hai con rồng “béo” màu đỏ, được dựng lên nhờ máy bơm hơi, trông khá thô và xấu. Cùng với đó là hệ thống lán trại bằng bạt và khung ống nước được dựng lên để làm các gian trưng bày sản phẩm, hiện vật của các dân tộc. Tất cả đều… vuông chằn chặn, đều tăm tắp, đơn điệu và tương phản với hình ảnh, sắc màu văn hóa đa dạng được thể hiện trong lễ hội.
Không thể bằng lòng với cách bài trí kiểu như vậy, nhà tổ chức cần nghĩ đến việc tận dụng chính những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, nghệ thuật truyền thống trong việc tạo dựng không gian văn hóa cho các lễ hội, ngày hội văn hóa các dân tộc. Bởi vậy, ngoài việc mời các nghệ nhân, diễn viên quần chúng, đồng bào dân tộc tham dự, ban tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc nên có phương án quy hoạch, thiết kế, trang trí không gian lễ hội dựa trên đường nét văn hóa, nghệ thuật dân tộc một cách phù hợp nhằm tạo nét riêng, điểm mới. Đó cũng chính là cách thể hiện sự tôn trọng đồng bào cũng như du khách tham dự các ngày hội văn hóa dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.