(HNM) - Không tránh khỏi những bất lợi do thời tiết gây ra, nông nghiệp Thủ đô năm 2017 cũng rơi vào cảnh lao đao chung với cả nước. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tạo được dấu ấn riêng, nỗ lực vượt lên.
Đó là kết quả Hà Nội xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra và dẫn đầu cả nước; cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đã xuất hiện nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, qua đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp có nhiều tiến bộ… Những thành tựu này một mặt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, mặt khác, dệt nên bức tranh tươi sáng của nền nông nghiệp cả nước năm 2017.
Nhưng, để phát triển xứng tầm và ổn định, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần xác định thế mạnh và tìm hướng đi bền vững cho riêng mình.
Trước tiên, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần có giải pháp để nâng chất lượng xây dựng nông thôn mới ở mức cao hơn nữa, mà thiết thực nhất là tạo việc làm ổn định, mang lại thu nhập cho người dân. Xây dựng nông thôn mới hiệu quả sẽ giúp hình thành thêm những doanh nghiệp khởi nghiệp, giữ những người nông dân ở lại làm giàu tại chỗ mà không phải ly hương như nhiều năm trước. Bên cạnh đó, với thế mạnh của vùng đất trăm nghề, những làng nghề truyền thống cần được quan tâm tạo dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm môi trường an toàn, bền vững.
Là thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, đất canh tác không còn nhiều, nền nông nghiệp mang đặc thù phát triển trong lòng Thủ đô nên nông nghiệp của Hà Nội phải có phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, triển khai mạnh ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp gắn với các khu đô thị sinh thái, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, vùng vành đai xanh. Xác định những nhóm sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao căn cứ vào lợi thế và nhu cầu thị trường. Với thuận lợi của vùng nông nghiệp đô thị dễ tiếp cận các dịch vụ, nông nghiệp Hà Nội không đầu tư dàn trải mà phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên cơ cấu, quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt. Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất sẽ tạo ra lợi ích kép khi không chỉ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ...
Trong xu thế hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp. Muốn vậy, chúng ta tiếp tục phải cải tiến cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thấy mức độ hấp dẫn, tính khả thi, sự thuận lợi trong quá trình triển khai và sự minh bạch, rõ ràng về thông tin trong khâu thực hiện. Cùng với đó, hệ thống các hợp tác xã nông nghiệp của thành phố cần thay đổi phương thức hoạt động, chủ động trước cơ chế thị trường và vận động cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Và một yếu tố không thể thiếu cho sự bứt phá, đó là đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là vấn đề không đơn giản, nhưng Hà Nội đã, đang làm và tiếp tục phải huy động mạnh hơn nữa các nguồn lực dựa trên những cơ chế chính sách ưu đãi nhất định.
Khi những lợi thế, đặc thù riêng được khai thác hiệu quả, khi thời cơ được chủ động nắm bắt, nhất là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ từ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, quản lý để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ thêm động lực phát triển mạnh mẽ hơn, hứa hẹn thu hái nhiều thành quả tốt đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.