(HNM) - Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với những đơn vị nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Việc thực hiện hiệu quả công tác này là giải pháp quan trọng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Thu hồi hàng nghìn tỷ đồng tiền chậm đóng
Những năm gần đây, hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội được triển khai trên phạm vi rộng đã mang lại những kết quả khả quan.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Phạm Tuấn Cường, từ đầu năm 2021 đến nay, qua thanh, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã thu hồi gần 4.400 tỷ đồng tiền nợ, chậm đóng. Dự kiến, số tiền chậm đóng thu hồi sau thanh tra trong những tháng cuối năm 2022 đạt khoảng 200 tỷ đồng/tháng.
Không chỉ thu hồi nợ, từ đầu năm 2021 đến nay, qua công tác thanh tra, lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 90.000 người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa tham gia hoặc đóng không đúng quy định. Số tiền truy đóng với nhóm đối tượng này gần 250 tỷ đồng, góp phần vào việc tăng thu bảo hiểm xã hội, phát triển thêm số người tham gia chính sách.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến hết tháng 9-2022, lực lượng chức năng đã thực hiện hơn 5.800 cuộc thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội, qua đó khắc phục tình trạng nợ đóng với số tiền gần 470 tỷ đồng; yêu cầu đóng và truy đóng bảo hiểm xã hội của hơn 300 lao động. Đặc biệt, căn cứ vào kết quả thanh tra liên ngành, các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 42 đơn vị nợ đóng kéo dài…
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra về đóng bảo hiểm xã hội, các cơ quan chức năng có thể xác định nguyên nhân, thời gian nợ, phân loại nợ của các đơn vị, doanh nghiệp, từ đó xây dựng giải pháp đôn đốc thu phù hợp.
Dưới góc độ người sử dụng lao động, kế toán trưởng của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế khảo sát và Đo đạc Việt Phát Nguyễn Thị Xuân chia sẻ: “Khi doanh nghiệp có tên trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội sẽ bị giảm uy tín. Vì vậy, chúng tôi đã khắc phục toàn bộ số tiền nợ đóng ngay sau khi tiếp nhận quyết định thanh tra vào tháng 9-2022 và sẽ cố gắng không để tình trạng nợ đóng tái diễn”.
Bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Dù hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội đạt kết quả khả quan. Song, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người sử dụng lao động thiếu ý thức chấp hành quy định của pháp luật, cố tình nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, dẫn đến tỷ lệ nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn cao so với số tiền cần thu.
Phó Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ - Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đinh Duy Hùng thông tin, hiện số tiền chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi của cả nước là 14.577 tỷ đồng, chiếm 3,38% số tiền cần thu. Còn theo Trưởng phòng Quản lý thu (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội) Chu Ngọc Mai, tính đến ngày 30-9-2022, toàn thành phố còn gần 79.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 5.101 tỷ đồng, chiếm 8,87% số tiền cần thu, trong đó số nợ phải tính lãi hơn 1.813 tỷ đồng, chiếm 3,21% số tiền cần thu.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tiếp tục được các bên cùng thực hiện. Đáng chú ý là cơ quan Công an và cơ quan Bảo hiểm xã hội ở tất cả các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác đôn đốc thu hồi nợ; lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra những đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội. Với trách nhiệm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, ngày 21-10-2022, Ban Cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ về tăng cường các giải pháp thực hiện công tác thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội năm 2022. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo, định hướng toàn ngành Bảo hiểm xã hội chú trọng thanh tra, kiểm tra, tổ chức hội nghị đối thoại với các đơn vị nợ đóng, chậm đóng với tinh thần chia sẻ, cùng tìm hướng khắc phục. Phấn đấu đến hết năm 2022, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội còn dưới 2,93% so với số tiền cần thu.
Xuất phát yêu cầu của thực tiễn, tại dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các cơ quan chức năng bổ sung quy định thành lập cơ quan thanh tra ở các cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước, trong đó có Thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đang diễn ra nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, đồng tình.
Với nhiều giải pháp đã, đang và sẽ thực thi, chắc chắn hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội ngày càng khẳng định hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.