(HNM) - Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở đất tại Cà Mau không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão mà có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào. Ứng phó với tình trạng này, Cà Mau đang áp dụng nhiều biện pháp trước mắt cũng như lâu dài để xử lý hiệu quả vấn đề này.
Sạt lở diễn biến phức tạp
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho thấy, từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra gần 1.200 vị trí sụt, lún, sạt, lở đất với tổng chiều dài gần 30km. Về đê biển, trong tổng số 254km chiều dài bờ biển từ Đông sang Tây của Cà Mau, có đến 80% vị trí bị sạt lở với tốc độ từ 20 đến 25m/năm, cá biệt có nơi lên đến 50m/năm. 10 năm qua, Cà Mau đã mất gần 9.000ha đất rừng do sạt lở đất. Đồng thời, trên 16.000 hộ dân sinh sống ven biển và khoảng 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp luôn trong tình trạng bị đe dọa trước nguy cơ vỡ đê biển.
Ngay tại huyện Trần Văn Thời, trung tâm vùng ngọt của tỉnh Cà Mau, tình trạng sụt lún đang diễn ra phức tạp. Điển hình như tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc, từ cuối tháng 2-2020 đến nay, tại đây đã xảy ra khoảng 10 vụ sụt, lún đất với tổng chiều dài hơn 400m. Còn tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc là dự án xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn đê biển Tây, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khu vực… cũng đang bị sụt lún nghiêm trọng. Ông Trần Tràng Huy ở tại xã Khánh Bình Tây, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ còn cách đi bộ ra khỏi xã. Đường bị sụt, không phương tiện nào qua lại được”.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Lê Phong cho biết, UBND tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ huyện 15 tỷ đồng trong tổng số 55 tỷ đồng khắc phục hậu quả các vụ sạt lở đất, nhưng hiện tại chưa thể thực hiện dự án dù xã đảo Khánh Bình Tây đang bị cô lập hoàn toàn. “Cái khó hiện nay là các kênh mương nội đồng đã cạn kiệt nước, thuyền không thể vận chuyển được vật tư đến công trường, phải chờ nước lên mới khắc phục được”, ông Lê Phong thông tin.
Đánh giá về tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng trong thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết, toàn tỉnh có tới 10.000km sông, kênh rạch chằng chịt. Những tuyến đường bộ thường nằm dọc theo hai bên bờ, theo kiểu “dưới kênh, trên lộ”. Khi các con sông, kênh, rạch cạn nước, không còn áp lực nước giữ bờ, dẫn tới sạt lở đường giao thông.
Thực hiện nhiều giải pháp
Trước thực trạng đang diễn ra, Cà Mau xác định cần tiến hành đồng bộ các giải pháp và huyện Năm Căn là một trong các địa phương của tỉnh đi đầu về chủ động phòng, chống sạt lở. Phó ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Năm Căn Nguyễn Đức Trung cho biết, hiện tại 8/8 xã, thị trấn trên địa bàn đã thành lập đội phản ứng nhanh, hoạt động theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). “Về lâu dài, chúng tôi tiếp tục thực hiện theo quy hoạch các cụm dân cư mới để di dời bà con ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến những nơi an toàn hơn”, ông Nguyễn Đức Trung cho biết.
Đề cập biện pháp khắc phục, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, tỉnh từng kiến nghị các bộ, ngành cho phép đưa một lượng nước mặn vừa đủ vào kênh, rạch vùng ngọt để tạo phản áp, giảm sụt, lún, sạt, lở đất trong mùa khô. Khi mùa mưa đến, sẽ tháo mặn hoặc dùng máy công suất lớn bơm cưỡng bức nước mặn ra khỏi kênh vùng ngọt. Tuy nhiên, giải pháp này không được các bộ, ngành nhận đồng thuận.
Ông Tô Quốc Nam đặt vấn đề: “Nhiều chuyên gia cho rằng làm như vậy sẽ làm hỏng quy hoạch vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau được thực hiện suốt 20 năm qua. Nhưng, Cà Mau nằm sát biển, nhiều nơi thấp hơn mực nước triều, lại là tỉnh duy nhất trong vùng không có nước ngọt từ hệ thống sông Cửu Long dẫn về, phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa, nên quy hoạch ngọt hóa cũ không còn phù hợp”.
Về giải pháp lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề xuất, trong khi chờ những giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh kiến nghị Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để duy trì mực nước trên các kênh rạch cả vùng Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang... “Giai đoạn 1 của dự án đang được tiến hành, chúng tôi kiến nghị Trung ương xem xét, đầu tư thực hiện luôn giai đoạn 2 để tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung sớm được kiểm soát mặn, ổn định đời sống nhân dân...”, ông Lê Văn Sử nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.