(HNM) - Nghề thu gom, tái chế, sơ chế phế liệu rất cần trong xu thế của kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, do lâu nay phát triển tự phát nên nghề này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, còn gây hệ lụy xấu về môi trường, nguy cơ cháy, nổ... Một giải pháp căn cơ, bài bản để định hướng cho sự phát triển ngành nghề, cùng với tăng giá trị sản phẩm đầu ra là điều đang đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Vẫn nỗi lo cũ...
Có mặt tại ngách 28/132B phố Đại Linh, tổ dân phố 18, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mới hiểu nỗi khổ của người dân nơi đây. Con ngõ nhỏ nhưng lúc nào cũng ngột ngạt bởi mùi khét cũng như tiếng ồn của máy lọc, xay phế liệu từ 2 cơ sở sơ chế, nghiền nhựa. Tại nơi ở của gia đình bà Nguyễn Xuân Lực, ngay nơi sản xuất vẫn có ban thờ; bên ngoài, từng đống bao tải nhựa chất đầy sân. Cạnh đó, cơ sở sản xuất của gia đình ông Nguyễn Xuân Hoàng cũng ngồn ngộn mút, xốp, vỏ bao tải... Số phế liệu này được đưa vào lò nhiệt, nấu thành bánh nhựa để cung cấp cho cơ sở sản xuất dây ni lông.
Cùng cảnh, khu vực đường 25m cạnh khu làng nghề Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), nhiều kho xưởng cũng lấp đầy phế liệu. “Trước đây, thôn Triều Khúc có rất đông hộ làm nghề thu gom, sơ chế đồng nát, nhưng nay do mặt bằng không có nên chỉ còn dưới 10 hộ làm nghề sơ chế nhựa” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Văn Lăng thông tin.
Dù nghề này ở Trung Văn, Triều Khúc đang dần thu hẹp trước “cơn lốc” đô thị hóa, nhưng len lỏi khắp khu dân cư là hệ thống “chân rết” cơ sở thu gom. Số cơ sở này thường thuê diện tích những khu nhà tạm, xuống cấp... nên tiềm ẩn mối lo về cháy, nổ. Trong khi đó, những vụ cháy, nổ kinh hoàng như ở Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) năm 2016, phố Đại Linh (quận Nam Từ Liêm) năm 2019... làm nhiều người thiệt mạng vẫn còn nguyên giá trị cảnh tỉnh.
Khác vùng đô thị, thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) và thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) - thủ phủ của Hà Nội về nghề thu gom, sơ chế phế liệu - vẫn phát triển mạnh; riêng thôn Xà Cầu có khoảng 170/400 hộ làm nghề. Hiện tại, xã Quảng Phú Cầu có khoảng 80 hộ sơ chế nhựa và đa phần vẫn sản xuất ngay tại nơi ở nên việc gây ô nhiễm là không tránh khỏi.
Cần định hướng và hỗ trợ
Thực tế hiện nay, nghề thu gom, sơ chế phế liệu đang phát triển theo xu hướng khác nhau giữa đô thị và nông thôn. Nếu như lãnh đạo ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) hay xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) mong muốn Nhà nước hỗ trợ để người dân chuyển đổi nghề thì ở vùng nông thôn như Quảng Phú Cầu chính quyền lại hỗ trợ người dân. Theo đó, xã cùng với huyện Ứng Hòa đang triển khai mở rộng Cụm công nghiệp Cầu Bầu và Cụm công nghiệp Xà Cầu để giúp cho các hộ được thuê đất sản xuất. “Tại 2 cụm mở rộng này, hệ thống nước thải, phòng cháy, chữa cháy được đầu tư đồng bộ, là điều kiện để nghề phát triển an toàn” - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Trang Văn Viễn thông tin.
"Nhưng cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu" - Điều này được Thượng tá Chu Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm đặc biệt nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới. "Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện về phòng, chống cháy nổ, các cửa hàng thu mua phế liệu cần sắp xếp hàng hóa theo chủng loại có cùng tính chất, đặc điểm, phương pháp phòng và chữa cháy... Không để hàng hóa lấn chiếm lối đi; không khóa, đóng chặt cửa thoát hiểm trong thời điểm hoạt động sản xuất. Tuyệt đối không ngủ qua đêm trong cửa hàng thu mua phế liệu..." - Thượng tá Chu Anh Quyến nói thêm.
Để tìm hướng phát triển lâu dài và bền vững, theo Trưởng phòng Hóa chất, Văn phòng đại diện Tập đoàn LX international tại Hà Nội (phường Cống Vị, quận Ba Đình) Bùi Phương Thanh thì đa phần cơ sở sơ chế nhựa ở Hà Nội có công nghệ sản xuất thủ công; nguyên liệu đầu vào là phế liệu không sạch, nên sản phẩm đầu ra chỉ làm nguyên liệu cho một số dòng sản phẩm cấp thấp. Muốn nghề phát triển, Hà Nội cần có định hướng cho khu vực đang tập trung nhiều cơ sở sản xuất; ban hành tiêu chuẩn cho nhựa tái chế...
Ở khía cạnh khác, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nêu ý kiến: Khi xử lý phế liệu hiệu quả sẽ đồng thời giải quyết được ô nhiễm môi trường và tạo ra giá trị kinh tế, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Hà Nội cần thống kê, rà soát tất cả cơ sở thu gom, sơ chế, tái chế phế liệu để đánh giá tổng thể. Từ đó, có chính sách phù hợp, nơi nào cần tạo điều kiện phát triển thì tập trung cơ chế hỗ trợ; nơi nghề không thể tồn tại thì hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề...
Thiết nghĩ, nghề thu gom, tái chế, sơ chế phế liệu sẽ còn tồn tại trong sự phát triển của xã hội, nên việc có định hướng rõ ràng, hỗ trợ cần thiết... sẽ là lựa chọn tốt để nghề phát triển, mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.