(HNM) - Yếu về vốn, hạn chế trong liên kết, chi phí cao... logistics Việt Nam được mô tả như “bức tranh thiếu sáng”.
Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics cấp khu vực và quốc tế, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại…
Ngành logistics Việt Nam kém phát triển do thiếu liên kết với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. |
Vừa thiếu, vừa yếu
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 2.500 DN logistics, với nhiều loại hình dịch vụ cơ bản như vận tải, cho thuê kho bãi, xếp dỡ tại cảng, khai báo hải quan, dịch vụ xuất - nhập khẩu... Đa số các DN có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu làm đại lý cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, các trung tâm logistics của Việt Nam còn thiếu nhiều dịch vụ đặc thù để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng, như đóng gói, quản lý đơn hàng, thay mặt chủ hàng thực hiện các nghĩa vụ với bên thứ ba, đặc biệt là dịch vụ logistics trọn gói nên chưa tạo thành một chuỗi cung ứng liên tục.
Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, ngành Logistics Việt Nam xếp thứ 64/160 quốc gia, với chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) năm 2016 đạt 2,98 điểm. Có 4 điểm khiến LPI Việt Nam năm 2016 tụt hạng, đó là năng lực logistics, kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ và kiểm tra chuyên ngành (liên quan đến yếu tố hải quan). Thêm vào đó, trình độ nhân lực chưa chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử ở mức thấp, thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực có trình độ quản lý.
Đặc biệt, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng logistics thể hiện ở cả lĩnh vực cảng biển, đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển. Hiện vận tải đường bộ tại Việt Nam thiếu hiệu quả do chưa tối ưu hóa cung đường. Số lượng cảng biển của Việt Nam được phân bố khá đều và đa dạng, tuy nhiên số cảng nước sâu tiếp nhận tàu trọng tải trên 30.000 DWT chỉ chiếm 9,2%...
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Trường Giang (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) cho biết, sự kém cạnh tranh của các DN logistics Việt còn từ sự bị động trước những chính sách của Nhà nước. Đơn cử như việc tăng giá thành vận chuyển, bến, bãi tại các cảng biển Việt Nam thời gian qua, với mức tăng 70% - 200%.
Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics
Theo Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, ngoài những bất cập trên, hiện việc quản lý các hoạt động logistics không nhất quán, mỗi bộ quản lý một khâu, như thuế và hải quan do Bộ Tài chính quản lý, vận tải và hạ tầng do Bộ Giao thông - Vận tải, xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương phụ trách…
Để phát triển ngành logistics Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI đạt thứ 50 trở lên. Ngoài ra, Chính phủ tập trung thu hút đầu tư vào xây dựng và phát triển hạ tầng logistics cấp khu vực và quốc tế, hình thành các DN dịch vụ logistics “đầu tàu” có đủ sức cạnh tranh, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước…
Kế hoạch đưa ra 6 nhiệm vụ quan trọng gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực và các nhiệm vụ khác. Trong đó, sẽ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics, kết nối các cảng biển của Việt Nam với các nước láng giềng. Hình thành các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các trung tâm loại II tại Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ…
Kế hoạch cũng khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất - nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác; hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.