(HNM) - Ngày 11-1, Ban Dân vận TƯ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai
Khẳng định quyền làm chủ của nhân dân
"Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" và "Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền" cùng được Bộ Chính trị ban hành ngày 12-12-2013 tại hai quyết định số 217-QĐ/TƯ và số 218-QĐ/TƯ. Đây được coi là những chủ trương mang tính đột phá, nhằm hiện thực hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.
Việc giám sát, phản biện là rất quan trọng khi xem xét tính hiệu quả của các chủ trương, chính sách và các công trình trọng điểm quốc gia. Ảnh: TTXVN |
Trước đây, hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý cho Đảng đã được quy định, nhưng nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Hai quyết định nói trên của Bộ Chính trị có ý nghĩa thống nhất, chính thức và đồng bộ hóa việc thực hiện những nội dung được coi là không thể thiếu trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quy chế giám sát và phản biện xã hội quy định, các cơ quan từ TƯ đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước phải chịu sự giám sát của MTTQ Việt Nam và 5 đoàn thể chính trị - xã hội: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Nội dung giám sát bao gồm việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia. MTTQ và 5 đoàn thể chính trị - xã hội còn là chủ thể phản biện xã hội đối với các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước, trừ những bí mật quốc gia. Trong khi đó theo quy định về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, việc góp ý sẽ thực hiện từ TƯ xuống cơ sở, vừa định kỳ thường xuyên, vừa góp ý đột xuất. Các ý kiến đóng góp sẽ được tiếp thu, phân tích, xử lý, cần thiết sẽ được đối thoại làm rõ để đi đến thống nhất. Quy định nêu rõ, hằng năm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải đối thoại để tiếp thu ý kiến nhân dân.
Thông qua việc triển khai thực hiện hai quyết định trên, không những quyền làm chủ của nhân dân được khẳng định, mà còn khắc phục bệnh xa dân của một bộ phận cán bộ đảng viên. Đây cũng là điều kiện để nâng cao vai trò, vị thế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nói về ý nghĩa của hai văn bản nói trên, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ Hà Thị Khiết khẳng định: "Việc ban hành hai quyết định trên, Đảng thể hiện mong muốn huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, làm cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng củng cố, ngày càng đúng nghĩa của hai từ "máu thịt" hơn".
Còn nhiều việc phải làm
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện hai quyết định quan trọng trên cũng đặt ra không ít những thắc mắc. Có ý kiến đề nghị TƯ sớm chỉ đạo thể chế hóa việc thực hiện các quyết định trên thành các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến lo lắng về cách phối hợp thực hiện giữa MTTQ và các đoàn thể với các cơ quan liên quan ra sao. Cũng có ý kiến cho rằng, để giám sát, phản biện hay góp ý hiệu quả phải huy động được sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhưng cơ chế thực hiện ra sao thì chưa rõ. Đại biểu tỉnh Hải Dương phát biểu, nếu giám sát, phản biện mà không được tiếp thu thì sao, cần có cơ chế để bảo đảm ý nghĩa thật sự của việc giám sát, phản biện xã hội. Đại biểu các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng cho rằng TƯ cần phải hướng dẫn thật chi tiết các nội dung thực hiện, càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt. Rõ ràng, để đưa hai quyết định trên vào cuộc sống, còn rất nhiều việc phải làm.
Tại hội nghị, Ban Dân vận TƯ đã bước đầu lấy ý kiến về hai văn bản hướng dẫn thực hiện các quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị. Ban Dân vận TƯ cho biết, sẽ tổ chức nghiên cứu thật kỹ trước khi ban hành, vừa tháo gỡ được những vướng mắc đặt ra, vừa bảo đảm thực hiện đúng các quyết định. Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ Hà Thị Khiết khẳng định: "Đây là những việc khó, nhạy cảm, nên trong quá trình thực hiện phải hết sức nghiêm túc, thận trọng. Việc gì dễ làm trước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không làm kiểu "húc đầu vào đá" để rồi cho ra những "sản phẩm" không tương xứng".
Ban Dân vận TƯ cũng nêu rõ, sẽ không tăng thêm bộ máy hay những cơ chế bổ sung để thực hiện các quyết định mới. Các cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể phải chủ động phân công, sắp xếp. Trưởng ban Dân vận TƯ Hà Thị Khiết đặc biệt lưu ý trong quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, tuyệt đối không được làm ẩu, làm theo cảm tính, sẽ tạo ra những điểm nóng không đáng có nhất là trong phản biện và giám sát. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy còn lúng túng, chưa rõ, nhất quyết phải xin ý kiến.
Sự ra đời các quyết định của Bộ Chính trị có thể coi là dấu ấn quan trọng xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Đảng ta. Nhưng để đưa các chủ trương này vào cuộc sống, phát huy giá trị thực sự, góp phần nâng cao quyền làm chủ của nhân dân đòi hỏi nỗ lực rất lớn cũng như trách nhiệm của các cấp ủy đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và chính mỗi người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.