Sáng 29-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân.
Phát biểu thảo luận, hầu hết đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp…
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề xuất bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát. Theo đại biểu, trong bối cảnh đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo. Do đó, đại biểu thống nhất lựa chọn phương án hoạt động giám sát phải bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trình tự, thủ tục để hội đồng nhân dân đề nghị thường trực hội đồng xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết của hội đồng nhân dân cùng cấp.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề xuất, lựa chọn chuyên đề giám sát bám sát thực tiễn cuộc sống. Theo đó, việc giám sát phải bám sát yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, của địa phương, các vấn đề còn tồn tại lâu dài chưa được quan tâm.
Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) đề nghị, bổ sung việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các tiêu chí này để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời các tiêu chí mà không ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), các tiêu chí chuyên đề giám sát và nhóm vấn đề chất vấn đã được thể hiện đầy đủ tại các quy định hiện hành và đang thực hiện hiệu quả, do vậy không cần thiết sửa đổi, bổ sung.
Về hoạt động của đoàn giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hòa cho biết, nên quy định từ “hai đại biểu trở lên” sẽ phù hợp với tình hình thực tế, thay vì dự thảo đề xuất “ba đại biểu trở lên…” khó thực hiện.
Góp ý về hoạt động của Quốc hội, để bảo đảm thời sự, đồng bộ trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành.
“Ở cuối kỳ họp, bên cạnh các chỉ tiêu, giải pháp, mục tiêu về kinh tế, xã hội của năm sau, Quốc hội phải đồng thời xem xét những vấn đề quan trọng về tư pháp, phòng, chống tham nhũng, về tình hình tội phạm, giải quyết kiến nghị của cử tri, từ đó có số liệu đồng bộ để quyết định những vấn đề năm sau của đất nước”, đại biểu Thắng nói.
Cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu đề nghị chỉnh sửa, hoàn thiện nhiều nội dung của dự thảo luật, nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xác định rõ quan điểm xây dựng luật, cơ bản thể hiện trong nội dung Tờ trình dự án luật. Luật chỉ quy định những vấn đề chung, có tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội để đảm bảo tính ổn định của dự án luật.
Những vấn đề biến động thường xuyên, chưa ổn định thì giao các cơ quan chức năng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi luật, bắt kịp xu hướng mới, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động giám sát.
“Sau kỳ họp, Hội đồng Dân tộc sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.