Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, có thể hình thành “chợ đen” nếu không cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường.
Sáng 24-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội nhận định, thực tiễn cho thấy, hiện tượng lộ lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Từ những thông tin tưởng như vô hại như số điện thoại, địa chỉ email, đến thông tin về tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế... đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép.
Hệ quả là các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát mạnh mẽ, gây bất ổn trong xã hội và ảnh hưởng tới niềm tin của người dân. Vì vậy, việc Quốc hội xem xét ban hành luật này là hết sức cấp thiết, nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền con người trong không gian số và thúc đẩy phát triển kinh tế số một cách an toàn, bền vững.
Đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, việc phân biệt giữa dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm là hết sức cần thiết bởi dữ liệu nhạy cảm đòi hỏi các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, dự thảo Luật đang giao Chính phủ liệt kê danh mục về cả hai loại dữ liệu. “Tôi đề nghị chỉ nên quy định danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Việc quy định như vậy sẽ bảo đảm khoa học, bao quát, dễ áp dụng”, đại biểu nói.
Đồng tình với việc nghiêm cấm các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trái phép, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, nếu quy định theo hướng cấm tuyệt đối mà không có ngoại lệ hợp lý, sẽ gây khó khăn trong thực thi, đồng thời, có thể triệt tiêu một số mô hình kinh doanh số hợp pháp đang phát triển.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng chỉ nên cấm mua bán dữ liệu cá nhân phi pháp, bất hợp pháp, không đúng quy định pháp luật. Theo đại biểu, việc mua bán dữ liệu cá nhân vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì mục đích riêng tư của cá nhân mà chủ thể của dữ liệu đồng thuận mua bán với nhau thì nên cho phép. “Nếu là dữ liệu cá nhân, mà cá nhân đó thấy việc cung cấp không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, không nhạy cảm thì cũng nên cho cá nhân đó được phép mua bán”, đại biểu nói.
Tiếp thu, giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, dữ liệu cá nhân, với đặc tính gắn liền với con người, quyền con người, quyền nhân thân, quyền riêng tư, không thể được coi là hàng hóa, tài sản thông thường, đây là một loại tài nguyên đặc biệt.
“Yêu cầu khai thác, sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất. Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Lương Tam Quang thông tin thêm, thực tế hiện nay, trong các vụ lừa đảo và chiếm đoạt tài sản quy mô lớn, yếu tố lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính để tội phạm thực hiện các hành vi phạm tội. Việc mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa đã diễn ra với số lượng rất lớn, dữ liệu bị bán nhiều lần cho nhiều đối tượng để phân tích, khai thác, xây dựng các kịch bản lừa đảo và tiếp cận nạn nhân chính xác, dễ dàng.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, nhiều tổ chức, đơn vị thiếu quy định, chính sách về quản lý dữ liệu, việc phân quyền xử lý dữ liệu cá nhân thiếu chặt chẽ dẫn đến nhân viên lấy thông tin khách hàng với tính chính xác rất cao và cập nhật theo thời gian thực để bán cho các đối tượng lừa đảo, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, điện lực, bảo hiểm…
“Nếu không quy định việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn, sẽ phát sinh rất nhiều phương thức, thủ đoạn để hình thành “chợ đen” về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Trước đó, trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và dự án Luật Dẫn độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.