(HNM) - Gần 1.400 hộ dân ở xã Song Phương (Hoài Đức) bị thu hồi đất từ những năm 2006-2007, được hưởng chính sách đất dịch vụ 10% theo quy định, song đến nay vẫn chưa hộ dân nào được giao đất dịch vụ. Trong khi đó, Dự án xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ xã Song Phương với tổng diện tích 122.913m2 được khởi công từ lâu, nhưng đến nay phải dừng triển khai vì mặt bằng chưa giải phóng xong.
Nỗi niềm người dân!
Ông Lưu Đình Khang, Trưởng thôn 5, xã Song Phương chia sẻ, thôn có trên 560 hộ, đa phần các hộ bị thu hồi đất triển khai dự án trên địa bàn đều được hưởng chính sách đất dịch vụ 10%. Song hơn chục năm kể từ ngày bàn giao mặt bằng, đến nay chưa hộ nào được cấp đất dịch vụ. Còn bà Nguyễn Thị Thoa, thôn 1 cho biết: Thực hiện Dự án xây dựng Khu đô thị Bắc An Khánh, gia đình bà cùng nhiều hộ dân thôn 1 đã bàn giao đất. Những tưởng chỉ sau một thời gian ngắn sẽ được giao đất dịch vụ để ổn định cuộc sống, nhưng suốt từ năm 2006 đến nay chưa hộ nào được nhận đất.
Dự án xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ xã Song Phương phải tạm dừng thi công vì chưa giải phóng xong mặt bằng. |
Việc chậm giao đất dịch vụ đã và đang khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn khi đất nông nghiệp của gia đình họ cơ bản bị thu hồi hết. Theo thống kê của UBND xã Song Phương, toàn xã có gần 1.400 hộ có đất bị thu hồi với tổng diện tích khoảng 65ha và hầu hết họ đều đủ điều kiện được cấp đất dịch vụ 10% theo Nghị định 17/NĐ-CP ngày 27-1-2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai… Để có quỹ đất dịch vụ giao cho người dân, năm 2012, UBND huyện Hoài Đức đã phê duyệt Dự án đất dịch vụ tại xã Song Phương và việc giải phóng mặt bằng dự án được triển khai từ đó.
Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Hoài Đức, Dự án xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ xã Song Phương có 450 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 122.913m2. Năm 2015, UBND huyện đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với các hộ có đất thu hồi. Tuy nhiên, tính đến ngày 20-6-2018, mới có 380 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao đất để triển khai dự án; còn 70 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Cần sự đồng thuận của người dân
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phạm Gia Lộc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết: Triển khai giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ xã Song Phương, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đã thực hiện đúng quy định. Song, quá trình triển khai gặp một số vướng mắc do nhiều hộ dân chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nên chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.
Cụ thể, một số hộ dân có đất bị thu hồi tại khu đất dịch vụ X2 cho rằng, mức hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm (với các hộ đã được hưởng chính sách đất dịch vụ từ các dự án trước đây) theo Quyết định 23/2014/QĐ-UBND ngày 20-6-2014 của UBND TP Hà Nội là quá thấp (chỉ 3,5 lần giá đất cùng loại). Trong khi đó, người dân có đất thu hồi tại một số dự án đang giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Hoài Đức lại được hưởng mức hỗ trợ 5 lần giá đất cùng loại. Do vậy, các hộ đề nghị được hưởng mức hỗ trợ 5 lần
giá đất cùng loại theo đúng Quyết định 10/2017/QĐ-UBND ngày 29-3-2017 của UBND TP Hà Nội. Ngoài ra, một số hộ dân có đất bị thu hồi tại khu X1 lại đề nghị được bồi thường theo giá thỏa thuận hoặc đề nghị được bồi thường bằng đất…
Về hướng giải quyết vướng mắc trên, theo ông Phạm Gia Lộc, trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố về đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ theo Nghị định 17/NĐ-CP ngày 27-1-2006 của Chính phủ, thời gian tới, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ phối hợp với các phòng, ban, ngành của huyện và UBND xã Song Phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng theo quy định để triển khai Dự án xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ xã Song Phương. Với những hộ cố tình không chấp hành, UBND huyện sẽ căn cứ quy định pháp luật thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Để dự án được triển khai thuận lợi, người dân sớm được giao đất dịch vụ, rất cần sự đồng thuận từ phía chính người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.