(HNM) - Một năm sau khi Hà Nội ban hành Văn bản số 4170/UBND-KT ngày 10-9-2018 nhằm tăng cường công tác quản lý việc nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn; kêu gọi người dân hạn chế sử dụng loại thực phẩm này, số lượng người kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, kết quả đạt được hiện vẫn chưa như mong đợi.
Nơi tấp nập, chỗ đìu hiu
Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 4h chiều, quán thịt chó tại phố Dịch Vọng, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) lại tấp nập thực khách. Chủ cửa hàng (đề nghị giấu tên) cho biết: “Cửa hàng hoạt động từ nhiều năm nay và luôn đông khách. Hiện, trung bình mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ 4-5 con chó”.
Tương tự, các quán thịt chó dọc đường Trần Quang Diệu, đối diện chợ Thái Hà (quận Đống Đa) luôn đông khách đến mua thịt chó mang về hoặc ăn luôn tại quán. Do lượng khách đông nên mỗi quán thường có hai, ba nhân viên phục vụ liên tục.
Khác với không khí tấp nập trên, lượng khách đến mua, ăn uống tại “phố thịt chó” nằm trên đường Hữu Hưng, đoạn giáp ranh giữa hai quận Hà Đông và Nam Từ Liêm rất thưa thớt. Chủ một nhà hàng khu vực này cho biết: Kể từ khi thành phố Hà Nội kêu gọi người dân từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo, lượng khách đến nhà hàng giảm một nửa.
“Phố thịt chó” dọc quốc lộ 32, đoạn qua địa phận xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) những năm trước vốn tấp nập, nay cũng trong cảnh đìu hiu, mặc dù tại đây vẫn có khoảng 15 quầy, nhà hàng bán thịt chó sống, chín. “Nếu như trước đây, mỗi ngày gia đình tôi bán được từ 7 đến 10 con chó sống, thì từ năm 2018 đến nay chỉ bán được từ 2 đến 3 con/ngày” - một chủ quầy cho biết.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, sau một năm Hà Nội kêu gọi người dân từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo nhằm hạn chế nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả, đồng thời khắc phục hình ảnh phản cảm đối với bạn bè quốc tế, số hộ kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố giảm đáng kể. Theo ước tính, nếu năm 2018 thành phố có tới gần 1.100 điểm kinh doanh và giết mổ chó, mèo thương phẩm thì đến nay giảm còn khoảng 800 điểm kinh doanh. Đặc biệt, do nhận thức rõ được nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm từ loại động vật này nên nhiều người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, những người làm trong ngành chăn nuôi và Thú y Hà Nội… đều không sử dụng thịt chó, mèo.
“Nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội như thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa); thôn Nhuệ, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức)... trước đây coi thịt chó, mèo là món ăn truyền thống, vào ngày lễ, cưới hỏi, đám tang, ngày giỗ đều làm món thịt chó để đãi khách thì nay cũng hạn chế sử dụng” - ông Đảng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Luật, Trưởng thôn Nhuệ, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) chia sẻ: Khoảng một năm nay, khối lượng thịt chó tiêu thụ trên địa bàn thôn giảm từ 50 đến 60%, kéo theo số lao động làm nghề này cũng giảm. Nhiều hộ dân cũng từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo khi làm cỗ hiếu, hỉ.
Còn ông Trần Quang Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) cho hay: Nhờ tích cực tuyên truyền, số hộ kinh doanh thịt chó tại thị trấn hiện chỉ còn 6 hộ (giảm 3 hộ so với năm 2018). Chuyển biến rõ nhất đó là trong đám hiếu, hỉ trước đây nhiều hộ dân sử dụng thịt chó, mèo để làm cỗ, nay rất ít hộ làm.
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, việc kêu gọi người dân từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Nguyên nhân là thói quen sử dụng loại thực phẩm này của người dân một số địa phương, nhiều người cho rằng thịt chó, mèo là thực phẩm ngon và bổ dưỡng, giá cả lại hợp lý nên không dễ từ bỏ ngay...
Theo bà Mai Thị Lan Hương, Trưởng trạm Thú y quận Thanh Xuân, giải pháp hiệu quả nhất mà quận đang triển khai là đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm… cho những người kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo.
Nói về giải pháp trong thời gian tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết: Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội báo cáo UBND thành phố về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Trước mắt, trong tháng 10 này, Chi cục sẽ khảo sát các điểm kinh doanh, giết mổ chó, mèo trên địa bàn, đồng thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các quận, huyện tiếp tục thực hiện chiến dịch vận động người dân từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo. Hiện tại, cùng với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại ở các quận nội thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2021, thành phố sẽ triển khai thí điểm hạn chế bán thịt chó, mèo tại 1-2 quận, sau đó rút kinh nghiệm, tuyên truyền và nhân rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.