Thông tin từ quận Hai Bà Trưng ngày 19-4 cho biết, thực hiện theo phương án sắp xếp của thành phố, đối với quận Hai Bà Trưng, dự kiến thành lập 3 đơn vị hành chính cơ sở gồm: Hai Bà Trưng, Bạch Mai, Vĩnh Tuy.
Trên cơ sở có điều chỉnh diện tích, dân số các phường liền kề cho nhau giữa quận Hai Bà Trưng và các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hoàn Kiếm; điều chuyển phần diện tích, dân số phía ngoài đê của phường Thanh Lương, Bạch Đằng về đơn vị hành chính cơ sở Hồng Hà 1, điều chuyển 1 phần diện tích tự nhiên, dân số phường Đồng Tâm, Trương Định, Minh Khai (phía Nam đường Đại La - Minh Khai về đơn vị hành chính cơ sở Tương Mai).
Ngay trong ngày 19-4, UBND của 15 phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã niêm yết công khai hướng dẫn của quận về tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND quận về sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Đồng thời, thông báo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn quận Hai Bà Trưng trong 2 ngày 19 và 20-4. Thời gian báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về UBND quận hoàn thành trong ngày 22-4.
Đơn vị hành chính cơ sở Hai Bà Trưng: Diện tích tự nhiên 2,62 km2, quy mô dân số 81.927 người. Địa giới hành chính gồm: Toàn bộ diện tích và dân số của các phường Đồng Nhân, Phố Huế (Hai Bà Trưng); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường Bạch Đằng, Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng).
Đơn vị hành chính cơ sở Bạch Mai: Diện tích tự nhiên 2,92km2; quy mô dân số 91.308 người. Địa giới hành chính gồm toàn bộ diện tích và dân số của các phường: Bạch Mai, Quỳnh Mai, Bách Khoa (Hai Bà Trưng); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường Thanh Nhàn, Minh Khai, Đồng Tâm (Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường Phương Mai (Đống Đa), Lê Đại Hành, Trương Định (Hai Bà Trưng).
Đơn vị hành chính cơ sở Vĩnh Tuy: Diện tích tự nhiên 2,77km2; quy mô dân số 86.618 người. Địa giới hành chính, phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường Vĩnh Tuy, Thanh Lương (Hai Bà Trưng), Mai Động (Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng) và phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai).
Theo UBND quận Hai Bà Trưng, tên gọi “phường Hai Bà Trưng” xuất phát từ việc tưởng niệm và tôn vinh hai vị nữ anh hùng dân tộc Việt Nam là Trưng Trắc và Trưng Nhị, thường được gọi chung là Hai Bà Trưng. Đây là hai chị em đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán (Trung Quốc) vào năm 40 sau Công nguyên.
Hiện nay, tại quận Hai Bà Trưng có đền thờ Hai Bà Trưng nằm trên cùng một khuôn viên với hai di tích khác là chùa Viên Minh và đình Đồng Nhân, tạo thành Cụm di tích đền - chùa - đình Hai Bà Trưng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 31-12-2019.
Việc đặt tên “phường Hai Bà Trưng" nhằm tưởng nhớ công lao của Hai Bà trong sự nghiệp giành lại độc lập dân tộc. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau; tôn vinh vai trò của phụ nữ trong lịch sử và xã hội.
Còn Bạch Mai vốn là vùng ven đô phía Đông Nam kinh thành Thăng Long. Trong lịch sử, nơi đây từng là đất của các làng nghề, khu dân cư lâu đời, có vị trí chiến lược trên trục giao thông lân cận. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bạch Mai cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng, với các cơ sở hoạt động bí mật và phong trào yêu nước sôi nổi. Việc giữ nguyên tên gọi này thể hiện sự kế thừa lịch sử, tôn trọng bản sắc văn hóa - xã hội của cộng đồng cư dân lâu đời trong khu vực.
Phường Vĩnh Tuy nằm ở khu vực phía Đông của Hà Nội, ven sông Hồng, một trong những tuyến giao thông quan trọng nhất trong lịch sử và hiện tại. Với vị trí thuận lợi về giao thông và tài nguyên thiên nhiên, Vĩnh Tuy là nơi cư trú của nhiều thế hệ dân cư, đồng thời là nơi phát triển các nghề truyền thống và các hoạt động thương mại.
Với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, phường Vĩnh Tuy đã chuyển mình từ một khu vực ngoại thành thành phường trọng điểm trong quận Hai Bà Trưng. Việc giữ nguyên tên gọi "Vĩnh Tuy" trong hệ thống hành chính không chỉ giữ lại giá trị lịch sử và văn hóa của vùng đất này mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với quá trình phát triển bền vững, lâu dài của khu vực. Cái tên này cũng thể hiện quyết tâm xây dựng một cộng đồng cư dân vững mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hóa hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.