Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết Trung thu, một cái tết không chỉ có ý nghĩa với trẻ em mà cả với người lớn. Bên cạnh các thứ đồ chơi dành cho trẻ em, bánh Trung thu là một phần không thể thiếu trong nghi lễ đón Tết Trung thu truyền thống của mỗi gia đình. Và năm nào cũng vậy, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ bánh Trung thu cũng luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.
Hôm vừa rồi, vô tình tôi nghe được một đoạn câu chuyện của một nhóm bạn bàn về việc mua bánh Trung thu. Theo đó, một người đề xuất nên mua bánh của một vài thương hiệu khá nổi tiếng dù có phải vất vả xếp hàng. Thế nhưng, ngay lập tức, có ý kiến phản đối, cho rằng không nên như vậy, vì không ít thương hiệu nổi tiếng hiện thuê các cơ sở gia công rồi về gắn nhãn mác, thương hiệu của mình.
Chợt giật mình, nhưng lúc đó, tôi nghĩ, chắc vấn đề chỉ được đẩy quá lên mà thôi. Nhưng, qua theo dõi trên báo chí, mới thấy “không có lửa thì sao có khói”. Cụ thể, mới đây, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu tại một số khách sạn 5 sao và phát hiện một số sai phạm, trong đó có việc thuê các đơn vị gia công bánh Trung thu rồi dán mác 5 sao của mình vào để cung cấp ra thị trường.
Đơn cử như khách sạn Novotel Hà Nội Thái Hà (phố Thái Hà) không trực tiếp sản xuất bánh Trung thu mà đặt đơn vị khác sản xuất, nhưng khi kiểm tra thì toàn bộ nhãn mác, vỏ hộp đều mang danh đơn vị này. Tương tự, khách sạn Pullman (phố Cát Linh) cũng đặt đơn vị khác sản xuất rồi đóng gói, dán nhãn mác, thương hiệu của mình lên sản phẩm, sau đó cung cấp cho khách hàng.
Chưa bàn tới chất lượng an toàn thực phẩm, nhưng với những thông tin kể trên, có thể thấy chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó” là có, thậm chí diễn ra ngay tại những thương hiệu bánh do khách sạn 5 sao cung cấp. Khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao danh giá còn vậy, những hoài nghi về các cơ sở kinh doanh “có tiếng” hẳn cũng không phải không có căn cứ.
Có nhiều tích nói về sự ra đời của bánh Trung thu, nhưng đến nay, mọi người đều xem đây là sản phẩm tượng trưng cho sự đoàn tụ, hạnh phúc gia đình khi mọi người cùng tụ họp phá cỗ, chia sẻ miếng bánh ngọt bùi. Đó là lý do gia đình nào cũng mua bánh để đón Tết Trung thu. Đây còn được xem là món quà giản dị, chân thành, giàu ý nghĩa dành tặng cho bạn bè, người thân.
Vì thế, những hành động thiếu trung thực trong việc sản xuất, cung cấp sản phẩm giàu ý nghĩa tinh thần này rất đáng bị lên án. Tiếc là năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết Trung thu là lại xuất hiện không ít thông tin thiếu tích cực liên quan tới loại bánh đặc trưng này. Không chỉ là “treo đầu dê, bán thịt chó”, các cơ quan chức năng còn phát hiện, thu giữ nhiều loại bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hay sản phẩm do các cơ sở sản xuất thủ công không đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thật khó để bắt người tiêu dùng thông minh chọn được sản phẩm rõ nguồn gốc vì đến các cơ sở uy tín 5 sao còn “treo đầu dê, bán thịt chó”. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, có lẽ chính các cơ sở sản xuất, cung cấp bánh trung thu cần có nhận thức, hành động đúng đắn, không lừa dối khách hàng, bởi như đã nói, đây không phải là một chiếc bánh đơn thuần mà còn là một sản phẩm có ý nghĩa văn hóa, mang tính giáo dục truyền thống, nhân văn
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.