(HNM) - Làm thế nào để đẩy mạnh kết nối giữa các quốc gia Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, viễn thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực... là nội dung được 6 Bộ trưởng GMS và đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bàn thảo tại Hội nghị GMS lần thứ 16 (GMS 16) vừa kết thúc tại Hà Nội cuối tuần qua.
Đây không phải lần đầu tiên 6 quốc gia GMS (Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào) bàn thảo việc gia tăng hợp tác nhằm tận dụng lợi thế từ một trong những dòng sông lớn nhất trong khu vực. Ngay từ khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng cách đây 18 năm, mở rộng kết nối giữa các nền kinh tế GMS đã phát huy tác dụng khi nó góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy hợp tác khu vực, nâng cao lợi ích của từng quốc gia thành viên thông qua đầu tư, thương mại và phát triển kinh tế đa quốc gia. Trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng đầy thách thức, việc mở rộng kết nối những quốc gia có chung lợi ích trên dòng sông Mekong giàu tiềm năng còn giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng và cải thiện sự ổn định chung của khu vực. Quan trọng hơn, việc tăng cường kết nối GMS - qua phát triển hành lang giao thông, các hệ thống kết nối điện lực, các mạng lưới viễn thông, các thỏa thuận về thương mại và giao thông - còn là chìa khóa dẫn đến tiến bộ về xã hội và kinh tế.
Một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược và Kế hoạch hành động của GMS giai đoạn 2012-2020 được các Bộ trưởng thông qua tại GMS 16 là thuận lợi hóa giao thông để thúc đẩy hợp tác thương mại. Phó Chủ tịch ADB Lawrence Greenwood xem đây là yếu tố hàng đầu cho sự phát triển của Tiểu vùng. Ngoài ra, GMS cần chú trọng tới bước chuyển đổi quan trọng từ các yếu tố phần cứng, ví dụ như xây dựng cơ sở hạ tầng: đường sá, hệ thống truyền tải và sản xuất điện… tới các lĩnh vực phần mềm, bao gồm các hiệp định xuyên quốc gia về tự động hóa giao thông vận tải, tự động hóa về sự lưu chuyển con người, hàng hóa… trong Chiến lược hành động của GMS giai đoạn 2012-2020.
Trải qua 18 năm phát triển, GMS đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, trong đó không thể không kể đến những đóng góp tích cực và chủ động của Việt Nam - một mắt xích quan trọng trong Tiểu vùng Mekong - đặc biệt trong Năm Chủ tịch ASEAN 2010 này, khi GMS là một trong những ưu tiên trong chương trình hợp tác ASEAN. Thành công của GMS 16 cuối tuần qua tại Hà Nội một lần nữa minh chứng cho vai trò của Việt Nam trong tiến trình kết nối GMS.
"Việt Nam từng là nước chủ nhà của Hội nghị GMS 16 năm về trước. Kể từ đó đến nay, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ lớn lao và sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế trong Tiểu vùng. Thành quả là mức sống đã tăng lên và đói nghèo đã giảm đi một cách rõ rệt" - Phó Chủ tịch ADB Lawrence Greenwood khẳng định như vậy; đồng thời đánh giá cao sự tiếp đón nồng hậu và công tác tổ chức tuyệt vời của Việt Nam cho sự kiện GMS 16.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh, mặc dù hợp tác kinh tế GMS đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng sự đồng thuận cao tại GMS 16 cho thấy quyết tâm của các nước Tiểu vùng sông Mekong trong thực hiện Sáng kiến hợp tác GMS. Bên cạnh đó, sự hiện diện và đóng góp tích cực của các nhà tài trợ tại GMS 16 đã khẳng định sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với sáng kiến hợp tác quan trọng này. Những kết quả đạt được sau 18 năm hợp tác, cho thấy GMS đang trên con đường rộng mở, hướng tới chặng đường phát triển hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong trong thập kỷ tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.