(HNM) - Từ xã lên phường đã được vài năm nay, song ở Đồng Mai, quận Hà Đông kế sinh nhai của người nông dân trong quá trình chuyển đổi vẫn là câu chuyện
Ông Nguyễn Xuân Quý, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đồng Mai cho biết: Phường có 18 tổ dân phố nhưng chỉ 2 tổ phát triển mạnh về dịch vụ, thương mại, còn lại người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nghề buôn đồng nát, ve chai ở Đồng Mai cũng có nhiều cái lạ. Đến xưởng đồ cũ của vợ chồng chị Lê Thị Thư, Tổ dân phố 1, thôn Cổ Bản lỉnh kỉnh đủ thứ từ các loại mô tơ, máy bơm nước, van nước… với hàng nghìn các món đồ cũ tưởng chỉ là đồ bỏ đi.
Kiểm tra, phân loại phế liệu. |
Chỉ tay vào một chiếc mô tơ, chị Thư cho biết: Nhìn vậy thôi nhưng giá cả chục triệu đồng đấy. Thợ cơ khí trong nghề nhìn là biết hàng tốt và họ sẵn sàng mua về sửa chữa để dùng, giá lại chỉ bằng 1/5, 1/7 hàng mới. Đều thuộc thế hệ 8X, vợ chồng Thư lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc, cứ nghe ở đâu có thanh lý công trình, nhà xưởng là có mặt. Ở Đồng Mai không thiếu những ông chủ bà chủ thế hệ 7X, 8X sẵn sàng đầu tư vài tỷ đồng để mua lại các công trình thanh lý. "Nghề này vất vả tứ bề, chồng đi quanh năm suốt tháng, có khi mỗi năm chỉ ở nhà vài ngày. Còn vợ ở nhà thu vén, phân loại một đống đồ sắt, nhiều lúc phải thuê đến cả xe cẩu để vận chuyển" - chị Thư cho biết.
Đó là với các ông chủ lớn, chuyên đi mua các công trình lớn. Tại Đồng Mai còn một lực lượng lớn lao động chuyên thu gom phế liệu. Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Đồng Mai Nguyễn Thị Thành tâm sự: Nghề này tưởng dễ nhưng hóa ra lại rất kén người. Không nhẫn nại, tỉ mỉ, sợ vất vả, khổ sở, không chịu được ánh nhìn khinh khi của người khác… thì không thể theo nghề. Thêm vào đó phải cần cù, không quản nắng mưa trên từng con đường, góc phố.
Người ta gọi nghề đồng nát là nghề "sáng cấy, chiều gặt", bởi tuy vất vả nhưng vốn bỏ ra ít, thu hồi vốn nhanh, lời lãi cũng khá. Thời điểm trước Tết là dịp "làm ăn được" của đội ngũ thu mua đồng nát. Bà Thành bảo: Xoay xở đủ nghề nhưng xem ra nghề đồng nát lại phù hợp với đội ngũ phụ nữ trên địa bàn phường. Chị em ở đây có lợi thế là vào nội thành cũng chỉ 15 đến 20km nên sáng đạp xe đi, chiều đạp xe về không phải thuê trọ. Từ chỗ chỉ có vài chục chị em đến nay đội ngũ thu mua đồng nát ở phường đã lên tới vài trăm người...
Chị Trần Thị Mão, 45 tuổi, Tổ dân phố số 2, đã theo nghề đồng nát gần 7 năm cho biết: Từ ngày thu hồi đất, nhà chỉ còn hơn sào đất bãi nên đã cho người khác thuê sản xuất. Số tiền đền bù hơn 200 triệu đồng tưởng to, nhưng loanh quanh mua xe máy, sửa nhà là hết. Đến khi vợ chồng con cái ốm đau, không biết xoay xở thế nào. Chồng thì chọn đi làm công cho một số xưởng trong phường còn chị theo nghề đồng nát, sáng đi chiều về. Hôm nào ít cũng kiếm được 40 - 50 nghìn đồng. Hôm nào không mua được gì thì đi dọn dẹp nhà thuê, chẳng ai làm nghề này mà về nhà tay trắng" - chị Mão cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.