Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kể lịch sử qua tên người nghệ sĩ

Trà Giang| 22/01/2012 06:50

(HNMCT) - Xuân này, Nhà hát Chèo Hà Nội tròn 60 tuổi - đã có thể coi là một chặng trong lịch sử hình thành và phát triển ngót nghìn năm của môn nghệ thuật sân khấu mang hồn Việt này.



Lịch sử qua gương mặt đào, kép

Nhà nghiên cứu Chèo - GS Hà Văn Cầu đã từng nhận xét: "Trong thời gian rất dài, Chèo giữ vai trò của cuốn sách giáo khoa, góp phần vào việc giáo dưỡng chẳng những về lời ăn tiếng nói mà còn cả cách ứng xử phải phép cho các thành viên công xã, đối với họ hàng, với các thành viên khác trong công xã và với đất nước”. Chèo là một nghệ thuật thuần Việt, thể hiện tình cảm, tâm hồn, đạo đức thẩm mỹ của người nông dân Việt Nam.

Ảnh 1 và ảnh 14.


Nhà hát Chèo Hà Nội, tiền thân từ đoàn Lạc Việt (sau đổi thành Kim Lan), hình thành khi Chèo đã là một môn nghệ thuật chuyên nghiệp, đã chịu ảnh hưởng của Kịch nói phương Tây, diễn trong rạp, bán vé cho người xem. Từ đó cho đến ngày nay, chèo Hà Nội vẫn nổi danh là nơi quy tụ những tinh hoa của chiếng chèo đất Bắc. NSƯT Thuý Mùi, GĐ Nhà hát Chèo Hà Nội cho tôi xem những bức ảnh đen trắng được chụp từ những năm 50-60 của thế kỷ trước - thứ di sản mà chị và lớp lớp nghệ sĩ đi trước của Nhà hát đều coi như báu vật, minh chứng cho một thời kỳ vàng son của sân khấu chèo. Quả thực, không gì có thể kể về một nhà hát nhiều hơn những vở diễn và diễn viên. “Năm 1945-1975, tại miền Bắc, Nghệ thuật sân khấu Chèo đạt tới sự phát triển rực rỡ nhất và đó cũng là thời kỳ hưng thịnh của nhà hát. Những vở, những tích, như Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Cô Son, Tú Uyên Giáng Kiều, Phạm Ngũ Lão, Những cô thợ dệt, Sợi tơ vàng, Ni Cô Đàm Vân, Từ Thức, Kim Nham… không ai là không biết, và cho đến những năm gần đây, những vở Chèo hiện đại như, Nàng Sita, Ngọc Hân công chúa, Mối tình Đuông Na Ly, Đêm hội Long Trì ,Biển Khổ, Nàng Mai vạn Lịch,… đã để lại cho người xem những tình cảm tốt đẹp. Thật khó hình dung nổi vở chèo Nàng Sita (Sau đổi tên thành Nàng Xê-Đa) diễn tới 1.000 buổi, có ngày diễn tới ba suất mà vẫn bán hết vé trong những năm 80 của thế kỷ trước”, NSƯT Thuý Mùi tự hào nhắc lại.

Ảnh 2.

Kế bên những tấm ảnh đen trắng là những bức ảnh màu độ nét cao đúng “chất chèo” - hình ảnh của một số vở diễn gần đây của Nhà hát như: Lý Thường Kiệt, Oan khuất một thời, Cao Bá Quát, Ngọc Hân công chúa, Tum Tiêu,… Tạo hình nhân vật đã có nhiều đổi khác, sân khấu cũng hiện đại hơn, nhưng tình yêu với nghệ thuật Chèo dường như vẫn vẹn nguyên qua nhiều thế hệ.

Ảnh 3

Bảo tồn và phát huy

Lật giở lại những bức hình cũ, tìm về những vở diễn xưa, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi kho tư liệu khá đầy đủ mà Nhà hát Chèo Hà Nội còn lưu giữ được. Đó không chỉ là thành quả của việc “giữ kho” mà còn cho thấy sự trân trọng đặc biệt của Nhà hát với di sản sân khấu của thế hệ đi trước. NSƯT Thuý Mùi cho biết: Nhà hát đã xây dựng và đang tổ chức thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Chèo truyền thống”. Trong đề án này, Nhà hát đặt mục tiêu sẽ biên soạn một số đầu sách quan trọng về Lịch sử Chèo Hà Nội, Nghệ thuật Chèo cổ truyền, Những kỹ thuật cơ bản trong nghệ thuật Chèo và Kỷ nguyên mới của Chèo; phấn đấu xây dựng tủ sách riêng của Nhà hát với khoảng 1.500 cuốn và tài liệu chuyên ngành, từ 30 - 40 đĩa DVD lưu vở diễn chất lượng cao, từ 120 - 150 đĩa CD để lưu âm thanh, kèm theo máy móc và thiết bị chuyên dùng. Trọng tâm của dự án là phục dựng vở diễn. Nhiều vở chèo cổ kinh điển như: Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám, Trương Viên,Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham và các trích đoạn: Suý Vân, Phù Thuỷ sợ ma, Tuần ty Đào Huế, Thị Mầu lên chùa… đã được Nhà hát phục hồi và lưu giữ. Đồng thời Nhà hát cũng dàn dựng thành công nhiều vở diễn đề tài lịch sử được khán giả hâm mộ như: Cao Bá Quát, Tống Trân - Cúc Hoa, Chuyện tình người mất tích… Nhà hát đang ấp ủ dự định làm một bảo tàng nhỏ về nghệ thuật Chèo.

Ảnh 4

Một câu chuyện khác. Tại Liên hoan Chèo về đề tài hiện đại được tổ chức tại Thái Bình những ngày cuối năm này, trong khi có tới 5 đoàn chèo xin không tham dự vì không có tác phẩm, thì nhà hát Chèo Hà Nội xin tham dự với 2 vở (chỉ có 3 nhà hát có 2 vở tham dự: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Chèo Quân đội). Vở Quan lớn về làng của Nhà hát đã dành Huy chương vàng, bên cạnh đó là 6 huy chương vàng, 7 huy chương bạc dành cho các cá nhân. Một thành tích khiến các chiếu chèo khác phải nể phục. Thực ra, ngay từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, Nhà hát đã có những vở phản ánh những vấn đề thời sự của đất nước, hơi thở thời đại, nổi tiếng nhất có thể kể đến vở Cô thợ dệt, Mối tình Điện Biên, Hoa khôi dậy chồng, Chuyện tình thời sinh viên, hay vở Chuyện tình người mất tích sau này. Kết nối lại để thấy sự tìm tòi, đổi mới Chèo, để nghệ thuật Chèo đến gần hơn với khán giả hôm nay, là nỗ lực chưa bao giờ ngưng nghỉ ở Nhà hát.

Ảnh 5

Các thế hệ diễn viên của Nhà hát Chèo Hà Nội

Khởi đầu Đoàn Chèo Hà Nội tiếp thu được truyền thống của Đoàn Kim Lan, nơi hội tụ những nghệ nhân chèo xuất sắc. Họ đã tạo ra những vở diễn chuẩn mực, nức tiếng ở thập niên 50-65 mà sau này đã trở thành những vở diễn kinh điển như: Mối tình Điện Biên (ảnh 8,11), Tấm Cám (ảnh 3),… Đó là NSND Hoa Tâm, Ba Nghị, Tư Liên tài danh nức tiếng từ thời đoàn Kim Lan; là nghệ sĩ Hoàng Lìu - một kép áo dài rất tài ba; nghệ sĩ Nguyệt Tiêm vừa đàn vừa hát, có công đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sau này; nghệ sĩ Tuyết Lễ với chất giọng tuyệt vời; là hề nữ nổi tiếng Minh Nguyệt; là những diễn viên kỳ cựu: Hoàng Từ, Cải Sửu,…

Ảnh 6

Thế hệ diễn viên thứ hai của Nhà hát chính là lứa học trò xuất sắc của các nghệ sĩ thế hệ đầu và họ đã thành danh trên sân khấu chèo vào những năm 65-80. Đó là NSND Thanh Trầm
(ảnh 13), Quý Bôn, Xuân Quân, Kim Khánh, Thanh Chức, Văn Chính, Huy Hoàng, Minh Tiếp, Duy Tân, Tuyết Nga, Ngọc Bích, Minh Toan, Bích Nhuần, Mạnh Phóng, Thanh Tâm, Minh Nguyệt, Ngọc Chung, Phan Hồ… Thế hệ này gắn với những vở diễn nổi tiếng: Cô Son (ảnh 1, 14),Quan Âm Thị Kính (ảnh 7), Phạm Ngũ Lão (ảnh 2)

Ảnh 7 và ảnh 13

Thế hệ diễn viên thứ ba thành danh vào những năm 80-95 và là những tên tuổi vẫn còn rất ấn tượng với khán giả hôm nay. Đó là các NSƯT: Quốc Chiêm, Xuân Hanh, Mai Hương (ảnh 12), Lâm Bằng, Thuý Mùi (ảnh 5), Lan Anh, Quốc Anh (ảnh 9), Xuân Hinh, Đức Thuận, Ngọc Ánh…

Ảnh 8 và ảnh 11

Những gương mặt nổi tiếng hiện tại từ 95 đến nay như nghệ sĩ Thu Hằng, Duy Thuận, Thu Huyền (ảnh 6), Mạnh Hùng, Ngọc Phú, Minh Nhan, Thanh Loan… thuộc thế hệ diễn viên thứ tư của Nhà hát. Nhà hát Chèo Hà Nội cũng là cái nôi nức tiếng trong việc thu hút và đào tạo được dàn diễn viên trẻ tài năng đến từ những vùng quê chèo đất Bắc như: Quốc Phòng, Phương Mây (diễn xuất cùng Thu Huyền trong vở Quan Âm Thị Kính, ảnh 4), Thu Hoà, Hoài Nam, Mạnh Thắng, Thanh Hiền, Đào Dũng, Thanh Mai, Thu Hà, Lê Tuấn, Lệ Hằng…

Ảnh 9, ảnh 10 và ảnh 12

Thành tích Năm 1987 Nhà hát Chèo Hà Nội được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Năm 2004 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhì. Nhà hát thường xuyên được nhận bằng khen của Thành phố, Bộ VH-TT-DL và Cờ thi đua của Sở VH-TT-DL. Nhiều nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT và NSXS Thủ đô. Nhà hát Chèo Hà Nội được đánh giá là một trong những đơn vị nghệ thuật truyền thống đứng đầu cả nước.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kể lịch sử qua tên người nghệ sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.