Giải trí

NSƯT Ngọc Ánh, Nhà hát Chèo Hà Nội: Tôi như từ sông ra biển lớn

An Định (thực hiện) 30/07/2023 09:41

15 năm trước, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, NSƯT Ngọc Ánh cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Tây về với Nhà hát Chèo Hà Nội.

ngocanh.jpg

Từ một diễn viên trẻ tài năng của xứ Đoài, nữ nghệ sĩ đã trưởng thành, trở thành Trưởng đoàn 3 của Nhà hát Chèo Hà Nội. 15 năm qua với chị là hành trình “từ sông ra biển lớn”, nhiều thử thách nhưng đáng tự hào.

- Thấm thoắt đã 15 năm trôi qua kể từ ngày về Nhà hát Chèo Hà Nội. Chị còn nhớ cảm xúc của ngày này năm xưa?

- Đã 15 năm mà tôi cảm thấy như mới ngày hôm qua, cảm xúc đó chẳng bao giờ quên được bởi thời điểm đó với tôi là một cú sốc. Tôi sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, từ bé đã được sống trong môi trường nghệ thuật giàu tình cảm, chan hòa nồng ấm đúng chất xứ Đoài. Năm 1989, khi 18 tuổi, tôi về Nhà hát Chèo Hà Tây công tác, đến năm 2008, tôi đã có gần 20 năm cống hiến ở đó và cũng đã được ghi nhận. Chính vì vậy khi không còn Nhà hát Chèo Hà Tây, nói thật, không chỉ tôi mà nhiều nghệ sĩ cảm thấy hoang mang. Thật may, người đứng đầu Nhà hát Chèo Hà Nội lúc đó là NSND Thúy Mùi, chị đã đón nhận Nhà hát Chèo Hà Tây trở thành Đoàn 3 của Nhà hát Chèo Hà Nội với một tình cảm nồng ấm. Chính vì thế, anh chị em thấy thân thương như được trở về nhà.

- Nhìn lại thời điểm đó, quả thật nhiều người cũng có chung tâm trạng lo lắng như chị. Đến nay, cảm xúc của chị như thế nào?

- Sau nhiều năm, chúng tôi thấy rằng: À mình đang ở sông và mình được ra biển lớn. Nói gì đi chăng nữa, môi trường ở một đoàn nghệ thuật truyền thống của tỉnh không thể nào được đầu tư mọi mặt như ở Thủ đô. Về Nhà hát Chèo Hà Nội, chúng tôi có môi trường hoạt động nghệ thuật rộng hơn, trang thiết bị tốt hơn, được bồi dưỡng nghề nghiệp liên tục, thu nhập được nâng cao. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi nhanh chóng hòa đồng, thân thiết và sẵn sàng cống hiến hết mình. Đặc biệt hơn cả đó là chúng tôi được học hỏi phong cách chèo Hà thành, một phong cách sang trọng, thương hiệu lớn đã được khẳng định.

- Còn với cá nhân chị thì sao? Điều gì khiến chị ấn tượng nhất trong hành trình 15 năm qua?

- 15 năm qua với tôi là đầy ắp kỷ niệm, biết bao vai diễn, bao đêm cùng anh chị em đi diễn phục vụ bà con. Đó cũng là 15 năm tôi được thử sức, cống hiến hết mình vừa ở vai trò diễn viên, quản lý và là trợ lý trong nhiều vở. Nhà hát Chèo Hà Nội đã cho tôi cơ hội thăng hoa, giành được nhiều huy chương các loại. Năm nay tôi 53 tuổi, các cụ xưa vẫn có câu “thầy già con hát trẻ”, những năm tuổi trẻ cống hiến thì đã đành, đến tuổi này vẫn có cơ hội cống hiến thì không phải dễ, tôi thấy mình rất may mắn khi được hoạt động nghệ thuật ở Nhà hát Chèo Hà Nội. Năm 2022, tôi tiếp tục được tham gia vai bà mẹ trong vở “Tình mẹ”, được tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc, đoạt Huy chương Vàng và được vinh danh là nghệ sĩ tiêu biểu của năm. Cũng mới đây, 4 học trò của tôi ở Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Chèo Ninh Bình đều giành được Huy chương Vàng và Huy chương Bạc, giải Tài năng trẻ. Đây là niềm vinh dự, là kỷ niệm đáng nhớ của cả cô, trò.

- Chiếu chèo xứ Đoài là một trong tứ chiếng nổi tiếng của nghệ thuật dân tộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ, khi trở thành một đoàn của Nhà hát Chèo Hà Nội, chèo xứ Đoài đã có những thay đổi như thế nào, thưa chị?

- Các cụ đã xây dựng một phong cách chèo xứ Đoài nức tiếng xưa kia. Sau sáp nhập, Nhà hát Chèo Hà Tây trở thành Đoàn 3 thuộc Nhà hát Chèo Hà Nội. Là người kế thừa thế hệ đi trước để dẫn dắt Đoàn 3, tôi vẫn thường nói với anh em rằng mình hòa nhập chứ không thể hòa tan. Sáp nhập để có thêm phong cách mới chứ không được mất cốt cách chèo xứ Đoài là mộc mạc, chân quê; dựng những vở dân gian, những vở cổ dứt khoát phải theo phong cách chèo xứ Đoài. Bên cạnh đó, khi được về chung nhà với Nhà hát Chèo Hà Nội, nơi nổi tiếng với phong cách chèo Hà thành sang trọng, đã đạt tới đỉnh cao với những vở về đề tài lịch sử thì mình cũng phải học tập cái hay, sự sang trọng đó để cách diễn của mình đa dạng hơn, hợp với nhiều thể loại hơn. Ngoài đề tài dân gian, Đoàn 3 cũng đã dựng nhiều vở lịch sử được đánh giá rất cao như vở “Tình sử Thăng Long” do NSƯT Lê Tuấn đạo diễn, tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô và đã mang về Huy chương Bạc cho vở và nhiều Huy chương Vàng cho nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ trẻ của đoàn hiện được đánh giá cao, như Phùng Thanh Huyền, Nhật Tín... Ngoài ra, Đoàn 3 cũng dựng một số vở hiện đại mang hơi thở của phong cách chèo Hà Thành, như vở “Tình mẹ”. Hay như vở “Nàng thứ phi họ Đặng”, do NSND Doãn Hoàng Giang dựng cho Đoàn 3, cũng giành được Huy chương Vàng... Đó là minh chứng cho thấy anh chị em nghệ sĩ đã cố gắng đạt tới sự đa dạng về phong cách biểu diễn, trau dồi kinh nghiệm về nghề nhưng vẫn giữ được phong cách chèo xứ Đoài.

- Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
NSƯT Ngọc Ánh, Nhà hát Chèo Hà Nội: Tôi như từ sông ra biển lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.