Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kê khai và công khai

Thế Phương| 20/08/2012 06:26

(HNM) - Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng lần này có thêm một số điểm mới, không chỉ mở rộng đối tượng kê khai mà còn có quy định về việc công khai kết quả kê khai, giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm… Nhiều người hy vọng rằng, những thay đổi này sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng đang là vấn nạn gây nên nhiều bức xúc xã hội.

Tuy nhiên, nếu không giải quyết tốt hai vấn đề: Kê khai và công khai thì hy vọng cũng vẫn chỉ là hy vọng mà thôi. Bởi lẽ vấn đề kê khai tài sản đã được triển khai từ nhiều năm trước, nhưng thực tế không mang lại kết quả như mong muốn.

Ở nhiều quốc gia, việc những người nắm giữ cương vị trong hệ thống nhà nước kê khai tài sản, những biến động tăng giảm của tài sản là chuyện bình thường như đăng ký một thủ tục hành chính. Nhưng, trong bối cảnh tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi như ở Việt Nam hiện nay thì việc kê khai tài sản lại mang ý nghĩa khác. Có thể xem đây là một hình thức để giám sát đạo đức công vụ và phòng ngừa, ngăn chặn nạn tham nhũng. Do vậy, việc kê khai tài sản cần hướng vào các đối tượng đang nắm giữ những vị trí quyền lực có nguy cơ tham nhũng để phát huy được tối đa hiệu quả từ việc làm này, không nhất thiết phải mở rộng.

Hiện nay trong Luật Phòng chống tham nhũng đã có những định chế, kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thế nhưng kiểm soát kê khai thu nhập không chỉ ở trách nhiệm giải trình mà ở chỗ kiểm tra tính trung thực của bản kê khai như thế nào. Tham nhũng muôn hình vạn trạng, tài sản bất minh cũng đủ kiểu, đủ loại, núp dưới đủ thứ danh nghĩa. Trong khi đó, việc giám sát, kiểm tra tính trung thực của bản kê khai không đơn giản bởi nhiều lý do, bằng chứng là, những trường hợp bị phát hiện kê khai không trung thực rất hiếm hoi. Do vậy, cần quy định rõ những chế tài khi kê khai không đúng quy định. Ví dụ, nếu không khai báo trung thực thì người khai sẽ đối mặt với nguy cơ bị coi là tham nhũng và bị buộc tội tham nhũng.

Thêm nữa, nếu kê khai mà không công khai thì cũng đồng nghĩa với việc gạt bỏ sự giám sát của xã hội - một yếu tố rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Một chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng cho rằng: Nếu người dân không truy cập được thông tin hoặc tham gia giám sát việc kê khai tài sản, hoặc nếu pháp luật về vấn đề này không được thực thi một cách công bằng và hiệu quả thì tác động của việc kê khai tài sản sẽ rất hạn chế. Từ nhận định này có thể thấy, điều quan trọng nhất là tạo cơ chế để bất cứ ai cũng có quyền tiếp cận những thông tin kê khai tài sản. Và việc công khai tài sản của những người có cương vị trong hệ thống nhà nước cần được coi là chuyện bình thường.

Giờ đây, không ai coi "người giàu là có tội", nếu không làm ăn phi pháp, không ai phải che giấu tài sản. Bên cạnh những giải pháp quản lý về thu nhập, nâng cao đạo đức công vụ…, minh bạch thu nhập, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, đặc biệt những người có vị trí quyền lực là hết sức cần thiết cho việc quản lý cán bộ. Và nếu việc làm này được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Hy vọng rằng với quyết tâm cao, các nhà làm luật sẽ xây dựng những cơ chế để cả xã hội tham gia giám sát, đấu tranh với tệ nạn tham nhũng và cán bộ công chức nói chung không dám, không thể tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kê khai và công khai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.