Hồ sơ

Kế hoạch cải cách chính sách về người di cư của EU: Khó tìm được tiếng nói chung

Quỳnh Dương 30/07/2023 - 07:08

Lộ trình cải cách chính sách về người di cư của Liên minh châu Âu (EU) lại đang đứng trước nguy cơ bị chệch hướng bởi những bất đồng nội bộ.

Việc chưa thể tìm được tiếng nói chung khiến các thành viên EU bỏ lỡ cơ hội hoàn tất một thỏa thuận quan trọng trước kỳ nghỉ hè bắt đầu từ cuối tháng 7 này. Không ít ý kiến tỏ ra lo ngại, các cuộc đàm phán sẽ rơi vào tình trạng bế tắc.

dicu.jpg
Hàng trăm nghìn người đã vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu từ đầu năm tới nay.

Sự thúc đẩy cải cách chủ yếu đến từ các nước Nam Âu, vốn đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng người di cư bất hợp pháp, như Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Malta. Hơn một thập kỷ qua, những quốc gia này gần như thường xuyên trong tình trạng quá tải do làn sóng di cư từ Trung Đông, châu Phi qua Địa Trung Hải ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê mới nhất, từ đầu tháng 1 đến ngày 12-7, có tới 73.414 người di cư vượt biển đến Italia, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên hợp quốc ghi nhận, kể từ năm 2014 đến nay đã có gần 30.000 trường hợp tử vong và mất tích ở Địa Trung Hải. Hầu như năm nào cũng có những vụ đắm tàu với trên 100 nạn nhân bỏ mạng, khiến vùng biển này trở thành tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Gần đây nhất, thảm kịch chìm tàu chở 600 người tị nạn xảy ra ngoài khơi biển Hy Lạp ngày 20-6 là tiếng chuông cảnh báo EU về sự cấp thiết phải có những giải pháp toàn diện cho vấn đề này.

Đối với các quốc gia Nam Âu, cải cách chính sách tị nạn sẽ giúp thay đổi những bất công mà Quy chế Dublin đề ra từ năm 2003. Theo quy chế này, những quốc gia đầu tiên người tị nạn đặt chân đến phải có trách nhiệm tiếp nhận, đồng thời cũng cho phép một nước thành viên EU gửi trả người xin tị nạn cho đất nước đầu tiên mà họ đến khi vào “ngôi nhà chung” này.

Để sửa đổi những điều bất hợp lý trong Quy chế Dublin, nhiều thành viên EU đã đề xuất phương án: Mỗi năm sẽ có 30.000 người xin tị nạn đủ điều kiện được chuyển đến một quốc gia EU khác với nước lần đầu tiên tiếp nhận họ. Các quốc gia từ chối chấp nhận hạn ngạch người xin tị nạn bắt buộc phải trả 20.000 euro cho mỗi người mà họ không nhận. Số tiền này sẽ được rót vào một quỹ chuyên quản lý di cư. Nếu người nộp đơn không có cơ hội được tị nạn ở EU sẽ bị trả về ngay lập tức và tất cả các đơn xin tị nạn đều được xử lý tối đa trong vòng 6 tháng. Nhiều nhà lãnh đạo EU cho rằng, những thay đổi nói trên sẽ mang lại một cơ chế đoàn kết hơn trong khối.

Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như kỳ vọng. Nhóm Visegrád Four gồm 4 nước Trung Âu (Slovakia, Ba Lan, Hungary và Séc) đang là lực lượng phản đối mạnh mẽ nhất đối với kế hoạch cải cách chính sách người di cư. Thậm chí, lãnh đạo Hungary và Ba Lan còn coi kế hoạch này là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, họ cho rằng, điều khoản này sẽ chỉ khuyến khích các làn sóng người di cư đến châu Âu cũng như tạo điều kiện cho nạn buôn người. Theo quan điểm của Vácsava, điều cần làm hiện nay là siết chặt các biện pháp bảo vệ biên giới thông qua việc tăng cường hoạt động giám sát của Cơ quan biên phòng EU để chống lại nạn buôn người…

Không thể phủ nhận thực tế rằng, số lượng người nhập cư gia tăng đã tạo ra những gánh nặng rất lớn về an sinh xã hội, kinh tế, cũng như gây ra xung đột văn hóa ở nhiều nước. Bối cảnh đó khiến những đảng cực hữu và bài ngoại có điều kiện thuận lợi để vươn lên, giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử nhờ khẩu hiệu chống nhập cư. Những quyết sách khó khăn, thậm chí là khắc nghiệt hơn về di cư và nhập cư vì thế cũng dần xuất hiện. Ngay cả Thụy Điển, quốc gia nổi tiếng là luôn mở rộng vòng tay với người tị nạn, hồi tháng 12 năm ngoái cũng thông qua dự luật tăng cường yêu cầu đối với việc nhập cư lao động, với những quy định chặt chẽ hơn trong việc tuyển dụng người nhập cư.

Đây không phải lần đầu tiên tranh cãi liên quan tới vấn đề người di cư nổ ra giữa các nước thành viên EU. Sự đình trệ lần này cho thấy các nhà lãnh đạo của khối sẽ tiếp tục phải đau đầu trên hành trình tìm kiếm sự đồng thuận. Nói một cách khác, trước làn sóng di cư ồ ạt đến châu Âu qua Địa Trung Hải và những thảm kịch như vụ chìm tàu ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, châu Âu không dễ dàng có giải pháp hiệu quả. Sẽ cần thời gian và nhiều cuộc đàm phán để kế hoạch cải cách chính sách về người di cư của EU đi đúng lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch cải cách chính sách về người di cư của EU: Khó tìm được tiếng nói chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.