Theo dõi Báo Hànộimới trên

Iraq trước nguy cơ xung đột mới

Phương Quỳnh| 21/10/2017 06:56

(HNM) - Giữa lúc cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq đang vào hồi quyết định, quân đội chính phủ và lực lượng dân quân người Kurd tại nước này, hay còn gọi là Peshmerga, lại chìm vào nguy cơ xung đột. Điều này đặt tương lai của Iraq đứng trước những bước ngoặt mới của sự bất ổn.


Người Kurd ở Iraq là một nhóm dân tộc thiểu số sống tập trung ở 3 tỉnh Đông Bắc, thường được gọi với cái tên Kurdistan và được hưởng quyền tự trị ở mức độ rộng rãi từ năm 2003. Trên thực tế, những lãnh đạo Khu tự trị người Kurd tại Iraq (KRG) quản lý vùng này gần như với tư cách một quốc gia độc lập, có cờ riêng. Tuy nhiên, ước mơ trở thành một vùng lãnh thổ có chủ quyền chưa bao giờ tắt trong suy nghĩ của đa số người Kurd. Sau khi giành quyền kiểm soát Kirkuk, vào đỉnh điểm của cuộc chiến với IS năm 2014, người Kurd bắt đầu nuôi tham vọng đưa vùng đất nhiều mỏ dầu này trở thành thủ đô của mình trong tương lai.

Việc Chính phủ Iraq tái chiếm Kirkuk làm tiêu tan giấc mơ ly khai của người Kurd.


Về phía chính quyền Iraq, mặc dù vẫn biết rõ những mong muốn của cộng đồng người Kurd về kế hoạch ly khai, thế nhưng chưa có lúc nào nguy cơ chia tách đất nước lại hiện hữu rõ ràng như thời gian gần đây, nhất là khi KRG tiến hành cuộc trưng câu dân ý về độc lập vào ngày 25-9 với sự ủng hộ lên tới 95% số người đi bầu. Để dập tắt những động thái có thể khiến quốc gia vùng Vịnh này bị chia năm xẻ bảy, quân đội Iraq đã tiến hành chiến dịch tổng lực lấy lại Kirkuk. Kế hoạch này cũng đưa Peshmerga trở về đúng khu vực của mình, dù thời gian qua những tay súng người Kurd là lực lượng đắc lực trong cuộc chiến đẩy lùi IS. Theo các nhà bình luận, bằng cách thu hồi Kirkuk, Baghdad đã giáng một đòn mạnh vào KRG và làm cho họ rất khó thực hiện kết quả cuộc trưng cầu dân ý.

Hiện tại, dư luận đang lo ngại rằng, vụ đụng độ lớn nhất giữa Peshmerga và quân đội Iraq trong thời kỳ hậu Saddam Hussein có thể đưa hai lực lượng này vào một cuộc xung đột lâu dài, mở màn thời kỳ bạo lực mới. Mặc dù, KRG vẫn được hưởng quy chế tự trị và duy trì một mức độ tự chủ đáng kể song để hiện thực hóa giấc mơ độc lập, người Kurd có thể sẽ làm bất cứ điều gì, bao gồm cả khả năng triển khai các cuộc tấn công vũ trang. Sau thành công của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, các lãnh đạo KRG đang chịu áp lực chính trị lớn phải thực hiện các bước đi hướng tới kế hoạch thành lập quốc gia riêng. Trong đó, việc kiểm soát Kirkuk ít nhiều vẫn là điều tiên quyết để giành độc lập thành công. Do đó, về dài hạn, KRG sẽ không thể bỏ qua vấn đề này. Nhưng chính quyền trung ương Iraq cũng không thể "nhượng" Kirkuk cho xứ Kurdistan vì họ phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ khai thác ở đây để cung cấp tài chính cho quân đội và bộ máy chính quyền.

Những mâu thuẫn giữa Chính phủ Iraq và KRG cũng đang làm dấy lên lo ngại về khả năng kết thúc cuộc chiến với IS. Thứ nhất, về tiềm lực quân sự, Iraq đã suy yếu sau nhiều năm chìm trong nội chiến đẫm máu. Nhờ sự hỗ trợ của người Kurd và liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, Iraq đã thành công trong nỗ lực đẩy lùi IS khỏi thành trì Mosul ở miền Bắc Iraq hồi tháng 7 và đang tiến đến những bước cuối cùng nhằm tiễu trừ IS khỏi lãnh thổ. Nếu xung đột với người Kurd nổ ra, Iraq sẽ mất đi một đồng minh khá mạnh, đồng thời tạo điều kiện cho các phần tử cực đoan trỗi dậy.

Nhiều ý kiến cho rằng, tương lai của Iraq sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa Chính phủ với KRG nhằm xoa dịu những căng thẳng đang leo thang hiện nay. Một trung gian hòa giải tốt cùng tiếng nói có trọng lượng đối với cả hai phía là nhân tố cần thiết trong thời điểm này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Iraq trước nguy cơ xung đột mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.