Ngày 16-6, khi đề cập việc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) lên án sự leo thang chương trình hạt nhân gần đây của Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, Iran kêu gọi G7 tránh xa “các chính sách phá hoại trong quá khứ”.
“Bất kỳ nỗ lực nhằm liên kết xung đột ở Ukraine với mối quan hệ hợp tác song phương giữa Iran và Nga đều là hành động có mục tiêu chính trị”, người phát ngôn Nasser Kanaani nêu rõ.
Trước đó, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Iran tăng cường hợp tác với cơ quan này và đảo ngược lệnh cấm thanh tra gần đây.
Báo cáo của IAEA cho thấy, Iran đã phản ứng bằng cách nhanh chóng lắp đặt thêm các máy ly tâm làm giàu uranium tại Fordow - cơ sở làm giàu uranium ở ngoại ô thành phố Qom và bắt đầu lắp đặt nhiều thiết bị tương tự.
Người phát ngôn Nasser Kanaani cho biết thêm, Tehran sẽ tiếp tục “tương tác mang tính xây dựng và hợp tác kỹ thuật” với IAEA, nhưng vẫn đánh giá nghị quyết của cơ quan giám sát này là “thiên về chính trị”.
Theo IAEA, Iran hiện đang làm giàu uranium lên mức 60% độ tinh khiết, thấp hơn mức 90% cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran có đủ vật liệu để đạt mức làm giàu này và có thể chế tạo 3 vũ khí hạt nhân nếu quá trình làm giàu uranium vẫn tiếp tục.
Ngày 14-6, G7 đã cảnh báo Iran không thúc đẩy chương trình làm giàu hạt nhân, đồng thời khẳng định sẵn sàng thực thi các biện pháp mới nếu Tehran chuyển tên lửa đạn đạo cho Nga.
Tuyên bố của G7 nêu rõ, Iran cần tham gia đối thoại nghiêm túc và đưa ra những bảo đảm rằng chương trình hạt nhân của quốc gia này hoàn toàn vì mục đích hòa bình, hợp tác đầy đủ, tuân thủ cơ chế giám sát và xác minh của IAEA.
Các lãnh đạo G7 cũng kêu gọi Iran ngừng hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và không chuyển tên lửa đạn đạo hoặc công nghệ liên quan cho Mátxccơva với lập luận động thái này sẽ gia tăng đáng kể mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.