(HNMO) - Ngày 26-2, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố sẽ đẩy mạnh nỗ lực chống biến đổi khí hậu bằng cách xem xét kỹ hơn rủi ro ổn định tài chính liên quan đến khí hậu.
Chủ tịch WB David Malpass cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện những khoản đầu tư kỷ lục dành cho vấn đề khí hậu trong năm 2021. Để đạt được nhiều động lực hơn trong việc giảm thiểu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, WB đang hỗ trợ các quốc gia thực hiện những cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
WB cũng đang đưa ra các đánh giá mới để tích hợp vấn đề khí hậu vào các biện pháp dự báo và chiến lược của những quốc gia thành viên, với trọng tâm ban đầu là các quốc gia đang phát triển có lượng khí thải carbon lớn nhất và các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Theo ông David Malpass, trọng tâm chính sẽ là giúp các quốc gia đạt được quá trình chuyển đổi từ sử dụng than đá sang năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy và bền vững. WB cũng đang phát triển một khuôn khổ cho chính sách tài khóa và tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva tuyên bố, tổ chức này sẽ đẩy mạnh nỗ lực chống biến đổi khí hậu qua các giải pháp như tích hợp vấn đề khí hậu vào các chính sách thu chi chính phủ, các dữ liệu và rủi ro về ổn định tài chính liên quan đến khí hậu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về thích ứng với biến đổi khí hậu (CAS) 2021 hồi tháng 1 vừa qua, bà Kristalina Georgieva cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu gây rủi ro cơ bản đối với sự ổn định kinh tế và tài chính. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh có thể mở rộng sản lượng kinh tế toàn cầu trung bình 0,7% mỗi năm trong 15 năm tới và tạo ra hàng triệu việc làm.
Cũng theo bà Kristalina Georgieva, IMF sẽ ra mắt một công cụ mới trong năm 2021 nhằm theo dõi những tác động của rủi ro khí hậu lên kinh tế và các biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Đây là một bước quan trọng đối với việc bảo đảm sự chuyển đổi cần thiết sang nền kinh tế dựa trên các nguồn năng lượng ít carbon.
WB và IMF cũng đang xem xét các biện pháp để đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào các cuộc đàm phán về giảm gánh nặng nợ đối với một số quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.