Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy vọng từ đội ngũ trẻ

Thi Thi| 10/07/2011 06:44

(HNM) - Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khóa XI (2011-2016) đã kết thúc ngày 7-7 tại Hà Nội với những hy vọng mới từ đội ngũ nhân sự được bổ sung lực lượng. Bên cạnh Chủ tịch - nhà thơ Bằng Việt, các Phó Chủ tịch Đỗ Thị Hảo, Hồ Quang Bình, Dương Kiều Minh, đã có thêm Phó Chủ tịch mới là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cùng hai gương mặt thế hệ 7X trong BCH là NSƯT Trung Hiếu (sinh năm 1973) và nhà thơ Bế Kim Loan (1977).

Tiếp nối cuộc trao đổi với nhà thơ Bằng Việt trong số trước (3-7), Hànộimới xin ghi lại ý kiến của các đại biểu về những vấn đề nóng của hội thời gian tới.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội

Đại hội đã lựa chọn bầu tôi làm Phó Chủ tịch Hội. Cũng như các văn nghệ sĩ khác trong BCH, chúng tôi phải có trách nhiệm cao đối với hoạt động Hội thời gian tới. Trong số những vấn đề quan trọng cần phải giải quyết, tôi sẽ quan tâm đầu tiên tới việc chuyển đổi mô hình Hội (đã rục rịch từ khóa trước) song song với hoạt động chuyên môn của Hội. Tôi cũng sẽ nỗ lực kết nối các hội chuyên ngành với Hội Liên hiệp để thực hiện hai chương trình hoạt động: Một là tổ chức sân thơ hằng năm của Hội Nhà văn Hà Nội ở vườn hoa Lý Thái Tổ vào tối 14 tháng Giêng, hai là tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội.

Trong đời sống VHNT hằng ngày, Hội cũng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm hơn tới công việc sáng tác, quảng bá tác phẩm của văn nghệ sĩ. Một hoàn cảnh lịch sử mới đang đòi hỏi các văn nghệ sĩ có những tác phẩm mới đi vào lòng công chúng và giúp cho công chúng bày tỏ được những khát khao, nguyện vọng của mình đối với quê hương, đất nước.

Nhà thơ Vũ Quần Phương-Hội Nhà văn Hà Nội

Việc chuyển đổi mô hình theo tôi nếu làm thì khâu chuẩn bị phải chín muồi. Hãy hình dung, trên địa bàn này đã có 9-10 hội chuyên ngành TƯ, rồi lại có 9 hội chuyên ngành Hà Nội. Mà phần lớn hội viên hội chuyên ngành TƯ là hội viên của hội chuyên ngành Hà Nội. Vẫn là từng ấy hội viên, từng ấy con người nhưng đầu mối thì lại nhiều hơn. Cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, chi tiêu công sẽ "nở" ra. Đó là cái khó phải tính đến.

Còn với câu chuyện giải thưởng, theo tôi, có lẽ phải cải tiến khâu "kỹ thuật", không chỉ giải của Hà Nội đâu mà của cả TƯ. Muốn cải tiến giải thì phải cải tiến BGK, mà muốn cải tiến BGK thì phải có cơ chế nào để thành viên BGK phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Điều này cũng sẽ liên quan tới việc đầu tư, đặt hàng tác phẩm. Tôi phân biệt hai loại đầu tư, một là trợ cấp khó khăn, thứ hai là Nhà nước đặt hàng. Ở đây, chỉ nói đến loại đầu tư thứ hai - đặt hàng của Nhà nước. Nguyên tắc là phải hàng hóa tốt thì mới đặt. Nhưng thế nào là hàng hóa tốt, cái này lại cần cơ quan "giám định". Người giám định - BGK, hội đồng nghệ thuật thiếu chính xác thì sẽ không thể có "hàng hóa" tốt. Nên chăng, đánh giá một tác phẩm phải mời đội ngũ phản biện (chỉ có để "chê" thôi) bởi nếu cho họ quyền vừa được khen vừa được chê thì người ta sẽ chọn "khen" cho an toàn.

NSƯT Trung Hiếu -UV BCH Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội

Được Đại hội bầu vào BCH Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đối với tôi là một điều khá bất ngờ. Cũng có người nói nên rút, nhưng tôi nghĩ dù mới, dù khó thì cũng phải cùng thế hệ đi trước gánh trách nhiệm thôi. Vào BCH, chúng tôi sẽ có tiếng nói đại diện của lớp trẻ, cũng là cách để rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong công việc. Nếu cứ kêu gọi trẻ hóa, mà khi được bầu, người trẻ nào cũng rút hết thì lỗi đâu phải ở thế hệ đi trước. Giống như ở Nhà hát của tôi, chúng tôi cũng giao các vai diễn cho những bạn trẻ hơn, bởi không ai khác, họ chính là những người sẽ tiếp tục gánh vác công việc này.

Với vai trò của mình, có lẽ tôi sẽ quan tâm nhiều hơn tới đầu tư cho sáng tác - một vấn đề không mới. Thiết nghĩ, có nhiều cách để đầu tư, nhưng không phải cứ đưa ra thật nhiều tiền là có tác phẩm tốt, cái cốt yếu nhất là kích thích nghệ sĩ, tạo hứng thú cho họ sáng tạo, bên cạnh đó là cải tiến những chế độ chính sách về VHNT để văn nghệ sĩ có một cuộc sống tương đối ổn định. Phải cần đến một chiến lược, một hoạch định chiều sâu và như tôi đã nói là tạo cảm hứng cho nghệ sĩ.

NSND Phạm Thị Thành

Có một điểm rất đáng mừng là BCH mới đã thu nhận nhân sự trẻ hơn. Trẻ cũng nhiều người rất có nghề, nên thu hút họ tham gia hoạt động hội. Mô hình liên hiệp hội là cần thiết nhưng không phải cấp thiết. Vì nếu hội chuyên ngành không sẵn sàng trong việc tổ chức và điều hành thì mọi việc sẽ rối. Phải chuẩn bị cho các hội thật vững đã. Việc lập hội đồng nghệ thuật của hội liên hiệp là rất tốt, nhưng cần mời thêm những người có chuyên môn cao, có uy tín trong toàn quốc, không nhất thiết cứ phải là UV BCH. Có như vậy việc thẩm định, đánh giá tác phẩm, công trình VHNT mới thuyết phục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng từ đội ngũ trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.