(HNM) - Năm 2012 đang đi đến những thời khắc cuối, Hy Lạp - đất nước của các vị Thần đã không chỉ đảo lộn được vòng quay phá sản gần như đã chắc trong tay mà còn đang mang đến những chỉ dấu lạc quan hơn cho Châu Âu ảm đạm.
Hy Lạp mua lại nợ thành công phát đi tín hiệu lạc quan tại Châu Âu. |
Thành công lớn nhất của Athens trong cuộc lội ngược dòng xoáy vỡ nợ là chương trình mua lại trái phiếu chính phủ từ các chủ nợ tư nhân "đắt hàng" ngoài dự kiến. Dù thời gian thực hiện khá dài, nhưng các ngân hàng Hy Lạp đã cam kết mua tới 15 tỷ euro trái phiếu so với 10 tỷ euro "chào sàn" ban đầu. Thần tài như đang mỉm cười với Athens khi cuộc phát hành tín phiếu ngắn hạn cũng đã thu về cho xứ sở Thần thoại gần 4,4 tỷ euro tiền mặt. Ngoài những đồng bạc cực kỳ có giá với Hy Lạp đang trong khốn khó, những thành công trong lĩnh vực trái phiếu còn chứng tỏ rằng, quốc gia đang chìm ngập trong nợ nần chưa đánh mất hoàn toàn niềm tin trước các nhà đầu tư. Quan trọng hơn cả, những cố gắng của chính quyền Thủ tướng Antonis Samaras đã thuyết phục được Châu Âu chấp thuận giải ngân 34 tỷ euro đầu tiên trong gói cứu trợ trị giá 43,7 tỷ euro của Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trước đó, Hy Lạp đã gần như nhận được "tối hậu thư" rõ ràng từ các chủ nợ quốc tế là, nếu chương trình mua lại nợ không thành, Athens đừng mơ nhận được một đồng từ gói giải cứu đã cam kết.
Trong tình cảnh đó, có lẽ không ai lo lắng hơn Thủ tướng A.Samaras. Thật khó để ăn ngon ngủ yên trước một thực tế Hy Lạp sẽ không có tiền để thanh toán lương cũng như hoàn thành nghĩa vụ tài chính với các khoản nợ đáo hạn đến kỳ vào cuối năm nay nếu không được giải ngân từ gói cứu trợ thứ hai. Tất nhiên, kèm theo đó là một loạt hệ lụy khó lường từ sự hỗn loạn xã hội đến nguy cơ đổ vỡ của nền kinh tế. Do vậy, thành công trong nỗ lực "tự thân vận động" của Athens không những bảo đảm sự sống cho quê hương của Thần Zeus mà còn khiến Châu Âu yên lòng rằng cỗ máy rệu rã Hy Lạp đã bắt đầu hoạt động nhịp nhàng hơn.
Có lẽ tin vui từ Athens đã mang đến cho Tổng thống Pháp Francois Hollande niềm phấn chấn đặc biệt khi ông cho rằng cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã lùi lại phía sau. Nhận định này dẫu chưa thể xóa sạch mối quan ngại đang trùm lên Lục địa già, nhưng ở một khía cạnh nào đó đủ cho thấy đây là một chỉ báo tích cực sau các nỗ lực không ngừng của Châu Âu. Hy Lạp đã vượt "vũ môn" để được nhận hỗ trợ tiếp theo trong khi Tây Ban Nha cũng có thể trụ lại với 40 tỷ euro sẽ được giải ngân nhằm củng cố hệ thống ngân hàng trong những ngày tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra thận trọng, vẫn giữ nguyên mọi cảnh báo về "giới hạn đỏ" tài chính với Cựu lục địa. Điều đó dường như có cơ sở thực tế, khi Hà Lan - nền kinh tế thứ 5 của Eurozone vừa nhận cảnh báo sẽ mất tín nhiệm AAA do kinh tế ì ạch hơn dự báo. Chưa hết, dù không là thành viên Eurozone, nhưng sự kiện Anh vừa bị S&P hạ triển vọng tín nhiệm tín dụng xuống mức tiêu cực thật sự là "sét đánh ngang tai". Là trung tâm tài chính hàng đầu của lục địa, nền kinh tế Anh phục hồi chậm chạp thêm một lần khẳng định tác động của biến cố nợ công không còn nằm trong phạm vi từng quốc gia riêng rẽ mà đã lan ra cả Châu Âu.
Trong cùng một thời điểm, lãnh đạo Lục địa già có những cách nhìn trái ngược về "bão" nợ và cũng gần như cùng một lúc, vui buồn tiếp tục đan xen tại Châu Âu trong mùa Giáng sinh đang về. Thực tế này không quá bất ngờ khi cuộc khủng hoảng tài chính có một không hai vẫn dai dẳng đeo bám châu lục. Thế nhưng, trong mọi hoàn cảnh, lãnh đạo EU chưa một lần ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp thích hợp. Thỏa thuận thành lập một cơ quan giám sát ngân hàng chung trở thành chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm kết thúc vào ngày 14-12 là thông điệp rõ ràng về một quyết tâm tìm lại Châu Âu phồn thịnh. Với nét chấm phá từ Hy Lạp, Tây Ban Nha, bức tranh kinh tế Châu Âu được hy vọng sẽ sáng sủa hơn khi năm mới 2013 đang đến gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.