(HNM) - Mới đây, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (tỉnh Bắc Ninh) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gửi hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Điều này làm dấy lên những hy vọng mới cho tương lai hai dòng tranh dân gian Hàng Trống và Kim Hoàng (thành phố Hà Nội). Tuy nhiên, để đạt được kết quả tương tự cần có sự nỗ lực từ nhiều phía.
Từ sự trở lại của tranh Đông Hồ...
Được coi là một trong những đại diện tiêu biểu cho mỹ thuật dân gian miền Bắc nói riêng, cả nước nói chung, tranh dân gian Đông Hồ từng có thời kỳ vàng son, phát triển rực rỡ, trước khi thoái trào, nhường chỗ cho những thị hiếu mới trong dòng chảy lịch sử. Số người làm tranh thưa vắng dần, thậm chí có giai đoạn, người làng tưởng như mất dấu dòng tranh...
Đây là câu chuyện những năm 90 của thế kỷ XX trở về trước, còn hiện tại, tranh dân gian Đông Hồ đang có sự trở lại mạnh mẽ, nhờ nỗ lực của các nghệ nhân làng tranh, sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền sở tại. Nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế cho biết: “Không đành lòng để di sản của cha ông mai một, tôi gom tiền thu mua ván khắc, khuôn tranh từ các hộ bỏ nghề, vận động con cháu kế tục di sản, đồng thời tìm hướng phát triển mẫu mới đáp ứng thị trường, tìm lại chỗ đứng cho dòng tranh quê hương”.
Không chỉ nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nhiều gia đình ở làng tranh Đông Hồ cũng nhanh chóng bắt nhịp với không khí khôi phục nghề làm tranh ở địa phương, chủ động tạo lập cơ sở sản xuất, tìm hướng ra cho sản phẩm. Đồng hành với làng tranh là sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, với nhiều chương trình hành động thiết thực, trong đó nổi bật là Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030” của UBND tỉnh Bắc Ninh.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Trần Quang Nam, đề án này được xây dựng bài bản, nhằm khẳng định những giá trị nổi bật của dòng tranh, xác định hiện trạng; đồng thời, đề ra các biện pháp khôi phục, phát huy hiệu quả, như: Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, xây dựng cơ sở sản xuất; tổ chức tour, tuyến tham quan, trải nghiệm...
“Sau bao nỗ lực, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ dần hồi sinh, được cộng đồng và du khách đón nhận. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đồng ý gửi hồ sơ trình UNESCO ghi danh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (Công văn số 387/TTg-KGVX ngày 27-3-2020). Đây là sự ghi nhận quan trọng đối với di sản, đặt di sản vào vòng bảo hộ, để tiếp tục có những định hướng bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả”, ông Trần Quang Nam cho biết.
... đến hy vọng cho các dòng tranh dân gian Hà Nội
Tranh Đông Hồ cùng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng là ba dòng tranh dân gian nổi tiếng của miền Bắc. Do vậy, thành tựu mới của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang dấy lên những hy vọng cho mỹ thuật dân gian Việt Nam, trong đó có những câu hỏi đặt ra với hai dòng tranh dân gian Kim Hoàng và Hàng Trống của Hà Nội, khi đều được đánh giá là dòng tranh tiêu biểu, với những giá trị riêng có. Tuy nhiên, để đạt được điều này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm), người duy nhất nắm giữ bí truyền nghề tranh Hàng Trống hiện nay cho biết: “Lo lắng thường trực của tôi là làm sao giữ được sức sống cho dòng tranh và đào tạo được người kế tục, vì tuổi đã cao..., nên chưa thể tính đến những việc lớn lao hơn”. Còn Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa cho hay, sau nhiều năm chèo chống khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng, mong mỏi lớn nhất của bà lúc này là tạo được những mẫu tranh đáp ứng thị hiếu, giúp nghệ nhân sống được bằng nghề. “Đề xuất ghi danh một di sản văn hóa là việc rất ý nghĩa, song cũng rất khó khăn, phải mất nhiều thời gian, công sức để thực hiện. Nếu có sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức liên quan, việc này sẽ thuận lợi hơn”, bà Nguyễn Thị Thu Hòa nêu.
Đồng tình với ý kiến trên, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê cho rằng, tranh dân gian là tài sản của cộng đồng, nên cần có sự chung tay bảo vệ. Chính quyền các cấp cần có sự quan tâm định hướng, hỗ trợ tương xứng, kịp thời để động viên nghệ nhân; cũng như vạch ra phương hướng bảo vệ, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả. Còn theo Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Hoài Sơn, nghề tranh dân gian Đông Hồ được
Việt Nam chuyển hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là kinh nghiệm rất tốt để các dòng tranh dân gian khác học tập. Với tư cách đơn vị tư vấn về văn hóa, nghệ thuật, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẵn sàng có những hỗ trợ khi được đề xuất.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, những năm qua, ngành Văn hóa Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá tranh dân gian cũng như hỗ trợ cần thiết với những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian của Hà Nội, như tổ chức các sự kiện: Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống”; triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng”, trong đó có các dòng tranh dân gian tiêu biểu của Hà Nội là Kim Hoàng và Hàng Trống... “Thời gian tới, việc đề xuất ghi danh các di sản tranh dân gian sẽ được thành phố tính đến, nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản này, góp phần nâng cao nhận thức về kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc trong cộng đồng”, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.