Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh Đông Hồ thời kỳ Pháp thuộc

Phùng Hồng Kổn| 04/02/2023 15:35

(HNMCT) - Tranh Đông Hồ, còn gọi là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là dòng tranh dân gian xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đặc biệt, tranh Đông Hồ còn nổi tiếng là dòng tranh luôn bám theo thời cuộc. Trong thời kỳ Pháp thuộc, bằng những sáng tạo và góc nhìn mới mẻ, các nghệ nhân làng Đông Hồ đã chứng tỏ trách nhiệm xã hội của mình qua các bức tranh mang nội dung phê phán thói hư tật xấu từ quan trường đến đời sống, đồng thời bày tỏ lòng yêu nước, mong muốn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lưu giữ nét văn hóa cổ truyền

Nghề làm tranh Đông Hồ ra đời từ thế kỷ XVI. Đây là loại tranh khắc gỗ, in màu. Thông thường, một bức tranh có 5 màu thì có 5 bản khắc gỗ, in màu trước, in nét sau. Giấy in tranh được làm thủ công từ cây dó có nhiều ở huyện Yên Phong cùng tỉnh Bắc Ninh. Trước khi in, các nghệ nhân còn quét lên giấy một lớp điệp (làm từ vỏ con điệp mua ở Quảng Ninh) trộn với hồ nếp, tạo ra những vết chổi lá thông óng ánh vẩy điệp. Màu in tranh cũng được làm từ vật liệu tự nhiên. Màu đen từ than rơm nếp, lá tre; màu vàng từ hoa hòe; màu nâu từ đất đỏ; màu xanh từ lá chàm... Đề tài của tranh Đông Hồ rất gần gũi với cuộc sống thôn quê đồng bằng Bắc Bộ như con gà, con lợn, cảnh hứng dừa, đánh ghen, độc đáo hơn là đề tài "Đám cưới chuột", "Thầy đồ cóc"...

Thời Pháp thuộc, các loại phẩm màu và giấy in được nhập vào nước ta, Đông Hồ có thêm loại tranh mới: In nét trên một loại giấy của Pháp mà dân ta quen gọi là giấy “manh” (tiếng Pháp là main, nghĩa là tập giấy) rồi tô phẩm màu - cũng được nhập từ nước ngoài. Sau đó ít lâu, Nhà máy giấy Đáp Cầu hoạt động, làng Đông Hồ đã dùng giấy được sản xuất ở đây làm tranh, khổ giấy lớn hơn, từ đó loại tranh bộ xuất hiện, mỗi bộ có bốn tờ, kích thước khoảng 40 x 140cm.

Nghệ nhân Nguyễn Thể Thức (1882 - 1943), người làng thường gọi là cụ Đám Giác, là một trong những tác giả tranh Đông Hồ nổi tiếng. “Đu đôi bắt trạch” và “Bịt mắt bắt dê” là đôi tranh do cụ Đám Giác sáng tác vào thời kỳ tranh tô màu phẩm. Tranh “Bịt mắt bắt dê” miêu tả một trò chơi khá phổ biến khi xưa. Trên tranh có hai người, một trai một gái, được bịt mắt, khoác áo tơi lá và ở ống quần đeo một chiếc chuông nhỏ. Con dê cũng được mặc áo tơi và đeo chuông ở cổ. Giữa bãi chơi có một cái hố. Xem tranh, người xem sẽ hình dung ra ngay không khí sôi động của cuộc chơi. Mục đích là bắt dê nhưng cứ theo tiếng chuông loong coong hay tiếng sột soạt của áo tơi mà “bắt” - thì hẳn có những phen bắt nhầm. Bước chân đã “rờ rẫm” vì bị bịt mắt lại thêm “thậm thụt” vì bị sa hố… chắc sẽ làm cho khán giả cười vỡ bụng.

Bức thứ hai “Đu đôi bắt trạch” còn thú vị hơn. Bên trái, một đôi nam thanh nữ tú: “Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng” (Hồ Xuân Hương). Bên phải là đôi trai gái vừa ôm nhau vừa bắt trạch. Hai bức tranh này cũng có một tín hiệu về thời đại, đó là chiếc mũ cát và đôi giầy tây của các chàng trai - những thứ này chỉ xuất hiện khi thực dân Pháp đô hộ nước ta. Về nghệ thuật, hai bức tranh này có sự thay đổi: Tranh nhiều chi tiết, hơi rườm rà, không mộc mạc như trước. Các cặp màu (phẩm) tương phản: Son - xanh lục; cánh sen - xanh lam, đặt cạnh nhau tạo ra sự đối chọi dữ dội - không hài hòa như bảng màu của tranh điệp. Tuy nhiên, hình, nét và bố cục vẫn rất sinh động.

Gạn đục, khơi trong

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới chế độ nửa thực dân nửa phong kiến, nền văn hóa nước ta có nhiều biến động. Trong các dịp lễ hội cổ truyền, bên cạnh các hoạt động rước rồng, múa lân, đấu vật, đánh đu... đã có các trò liếm chảo, leo cột mỡ... Nhiều tập quán bị xâm lấn, thậm chí bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại lai.

Trước tình cảnh ấy, các nghệ nhân Đông Hồ không đứng ngoài cuộc. Lấy đề tài ở hai bức tranh "Rước rồng" và "Múa lân", lấy nhân vật ở hai bức "Đám cưới chuột" và "Thầy đồ cóc", nghệ nhân Vương Ngọc Long đã sáng tác bức tranh “Cóc Tây múa kỳ lân” và “Chuột Tàu rước rồng vàng”, trên tranh có đề chữ quốc ngữ (tuy sai chính tả). Thoạt nhìn, những chú chuột, chú cóc, với các tư thế, động tác, mỗi con một vẻ, rất sinh động, ngộ nghĩnh, ta đã cảm nhận được không khí hội hè tưng bừng với tiếng trống, tiếng kèn, tiếng hò reo náo động. Tuy nhiên, ở mỗi góc tranh ta thấy có lá cờ Tây, cờ Tàu và còn thêm dòng chữ “Cóc Tây múa kỳ lân”, “Chuột Tàu dước (rước) rồng vàng”. Nghĩa của từ “Cóc Tây”, theo Duran - nhà nghiên cứu folklo người Pháp, thời kỳ Hà Nội mới thuộc Pháp, có một lớp người đi ở cho Pháp, tiếng Pháp gọi là “cocher” (người đánh xe ngựa, người giúp việc nhà). Khi đó đàn ông Việt Nam phần lớn vẫn để tóc dài, búi tó, những người đi ở cho Pháp, theo ảnh hưởng phương Tây mà cắt tóc ngắn. Nhiều khi, dựa thế ông bà chủ, những người này có hành vi coi thường những người Việt đi ở khác...

Vào dịp Tết Trung thu, họ tập trung múa kỳ lân, sư tử trên phố, cạnh tranh với các nhóm múa khác làm huyên náo phố phường. Lớp người này được gọi là “Cóc Tây”. Còn “Chuột Tàu”? Cũng thời kỳ này, người Tàu ở Hà Nội khá đông, vào dịp Tết Trung thu, họ thường rước một con rồng rất lớn làm bằng giấy bồi và vải, họ đội đầu và thân rồng nhảy nhót cho rồng uốn khúc. Nét hài hước ở đây là những cái đuôi chuột rất dài - ám chỉ cái đuôi sam của người Tàu thời nhà Thanh bấy giờ (Maurice Durand - "Imagerie populaire Vietnamienne" - E’cole Française d’extrême - orient Paris - 1960). Về sau đôi tranh này cũng được “cắt ván” và in màu trên giấy dó quét điệp, chữ quốc ngữ được thay bằng chữ Nho.

Bên cạnh đó, còn có hai bức tranh “Văn minh tiến bộ toa tăng xương - Phong tục cải lương moa tăng phú” được in điệp. Tại thời điểm ra đời bức tranh này, thực dân Pháp đô hộ nước ta, xã hội có nhiều thay đổi. Nền văn minh phương Tây dần dần tác động tới làng quê Việt Nam. Xe tay được thay bằng xe đạp, ô tô; âu phục thế chỗ cho áo the, khăn xếp, áo mớ bảy mớ ba... Hẳn là khi sáng tác, các nghệ nhân không làm công việc của nhà dân tộc học là ghi lại những phong tục tập quán từng thời đại, nhưng tác phẩm của họ lại phản ánh một cách trung thực và tinh tế nhất nền văn hóa ở thời đại đó.

Với người nông dân Việt Nam, có khi cả đời không ra khỏi lũy tre làng thì những chiếc xe đạp, ô tô mà lần đầu tiên họ nhìn thấy có thể trở thành con ngoáo ộp (việc đó đã được miêu tả trong nhiều tác phẩm văn học). Ấy thế mà, ô tô, xe đạp rồi cả súng săn đã lên tranh Đông Hồ, để rồi được dán lên vách khắp các gia đình trong dịp Tết. Điều này chứng tỏ tác giả phải là người đi nhiều, biết rộng, có đầu óc cách tân. Về nghệ thuật, hai bức tranh này vẫn kế thừa truyền thống cổ, vẫn những màu sắc dân dã, đường nét khỏe khoắn, sinh động, đề tài hiện đại nhưng vẫn đậm chất dân gian.

Đặc biệt, trong tranh có một chú chó (chó săn), đây là chú chó duy nhất trong tranh Đông Hồ, trong khi tranh gà có tới 6 bức, tranh lợn có 3 bức. Tác giả đôi tranh này là cụ đồ Long, tức Vương Chí Long. Cùng thời với cụ Đám Giác, cụ đồ Long dạy chữ Nho nhưng biết cả tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, một số sáng tác sau này của cụ đề chữ quốc ngữ. Ngoài việc chữ nằm trong bố cục của bức tranh, ý nghĩa của những dòng chữ này còn gây hiệu quả độc đáo. “Văn minh tiến bộ toa tăng xương”: Thời đại văn minh tiến bộ anh hãy cẩn thận. “Phong tục cải lương moa tăng phú”: Phong tục thay đổi, tôi cóc cần. Tiếng Tây bồi, viết bằng chữ Hán - thật thú vị. (Toa tăng xương = Toi attention, Moa tăng phú = Moi, je m’enfiche). Nếu đồng cảm với tác giả, bạn sẽ hình dung ra cảnh: Sau khi phẩy nét bút cuối cùng của dòng chữ nửa tây nửa ta hoàn thành tác phẩm, tác giả rít một điếu thuốc lào thật kêu, tựa lưng vào vách, ngắm đứa con tinh thần của mình qua làn khói thuốc... rồi bỗng vỗ đùi cười ha hả!

Cũng thời gian này còn có các đôi tranh ghi lại những thay đổi trong cuộc sống đời thường: “Đá bóng”, “Nhẩy đầm” của nghệ nhân Nguyễn Thể Thức; “Văn minh tiến bộ” của Phùng Đình Năng... Những đôi tranh này được in nét rồi tô màu bằng phẩm.

Ngày nay, trong khi không ít nghề cổ truyền của Việt Nam đã bị mai một, nghề làm tranh ở Đông Hồ vẫn tồn tại và phát triển, người làm nghề sống được bằng nghề của mình. Ngoài việc các nghệ nhân phải nhạy bén, năng động với cơ chế thị trường thì không thể không nói tới việc tranh Đông Hồ, trải qua nhiều năm tháng, đã quy tụ, chắt lọc được tinh hoa văn hóa của dân tộc, đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho văn hóa Việt Nam không bị “hòa tan” vào các nền văn hóa ngoại lai mặc dù đã trải qua ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tranh Đông Hồ thời kỳ Pháp thuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.