(HNM) - Hai tuần đã trôi qua kể từ khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận với bộ ba chủ nợ gồm Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhưng những gì đang diễn ra ở xứ sở các vị Thần vẫn đe dọa nhấn chìm thị trường toàn cầu trong một cơn sóng mới.
Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng mới đã hình thành trong bối cảnh Athens không chỉ phải tìm cách xoay xở giải quyết gánh nặng tài chính mà còn phải đối mặt với mối lo bất ổn chính trị tiềm tàng.
Ngày 31-7, Tổng Thư ký Vụ Quan hệ kinh tế và Hợp tác phát triển Bộ Ngoại giao Hy Lạp Yorgos Tsipras đã tố cáo EU, ECB và IMF âm mưu lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras; đồng thời, cho rằng gói thỏa thuận giữa Hy Lạp với "bộ ba" chủ nợ gồm những cải cách khắc nghiệt là "thất bại" của Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras theo đường lối cánh tả. Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras trải qua một phiên điều trần tại Quốc hội Hy Lạp để bảo vệ việc Chính phủ Hy Lạp lên kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp nước này không đạt được thỏa thuận vay nợ mới trị giá 86 tỷ euro và buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Sức ép lên Thủ tướng A.Tsipras gia tăng khi một báo cáo do phe đối lập công bố, các cựu quan chức như Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã lên kế hoạch chuẩn bị cho sự trở lại của đồng tiền drachma. Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh nội bộ đảng Syriza cầm quyền bị chia rẽ nghiêm trọng. Theo các nhà phân tích, Thủ tướng A.Tsipras cần tập hợp được đủ thế đa số để thúc đẩy Quốc hội thông qua những cải cách ngân sách được thắt chặt theo yêu cầu của các chủ nợ.
Các ngân hàng Hy Lạp vẫn hạn chế số tiền được rút với các chủ tài khoản. |
Hiện tại, dù nhận được sự ủng hộ cao ở trong nước, song thế đa số của nhà lãnh đạo này lại đang bị đe dọa bởi những thành phần có đường lối cứng rắn ngay trong đảng Syriza, vốn phản đối Hy Lạp đàm phán về gói cứu trợ mới. Trong cả hai lần bỏ phiếu thông qua các kế hoạch cải cách ở Quốc hội Hy Lạp, nhiều thành viên Syriza đã bỏ phiếu chống lại những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" do ông A.Tsipras đề xuất. Trước thực tế này, không loại trừ khả năng, Thủ tướng A.Tsipras có thể phải kêu gọi bầu cử sớm do sức ép từ những thành viên chống đối trong nội các.
Việc kêu gọi khoản cứu trợ từ Cơ chế bình ổn tài chính Châu Âu (EFSM) của Hy Lạp cũng đang gặp những rắc rối mới bất chấp thỏa thuận giữa các bên đã được ký kết vào giữa tháng 7. Trong cuộc họp đầu tiên với các bộ trưởng của Hy Lạp ngày 31-7, để hoàn tất thỏa thuận về gói cứu trợ mới kéo dài 3 năm, IMF đã khiến EU và ECB phải ngỡ ngàng khi tuyên bố chưa tham gia gói cứu trợ thứ 3 cho Athens. Không chỉ thế, IMF còn đi xa hơn khi đặt ra 2 điều kiện: Hy Lạp phải thực thi nghiêm chỉnh cam kết cải cách và EU giảm bớt gánh nặng vay nợ cho nước này.
Điều kiện thứ nhất thì không có gì phải bàn vì đó cũng là quan điểm của EU và ECB. Nhưng, điều kiện thứ hai, yêu cầu các chủ nợ phải xóa nợ hoặc phải lùi thời gian trả nợ cho Hy Lạp, thể hiện quan điểm trái ngược với EU và ECB. Theo IMF, nợ công của Hy Lạp, hiện đã lên tới khoảng 354 tỷ euro, tức là 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), là một con số quá lớn khó có thể trả nổi. Vì thế, chỉ khi bớt được một phần, Athens mới có cơ hội phục hồi phát triển. Thế nhưng, cho đến nay, EU và ECB vẫn kiên quyết không xóa bớt nợ. Đấy cũng là bất đồng cơ bản và công khai giữa hai "bà đầm thép" là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde.
Hiện tại, Hy Lạp và các chủ nợ đang chịu áp lực rất lớn nhằm đạt được thỏa thuận trước ngày 20-8, thời điểm Athens phải trả khoản nợ 3,2 tỷ euro cho ECB. Nếu tranh cãi giữa bộ ba chủ nợ không được giải quyết, tương lai của đất nước trên 11 triệu dân bên bờ Địa Trung Hải sẽ làm không ít nhà lãnh đạo phải đau đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.