(HNM) - Ngày 1-5, hàng nghìn người biểu tình Hy Lạp đã tập trung tại trung tâm thủ đô Athens để phản đối kế hoạch kinh tế "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ đưa ra để đổi lấy khoản cứu trợ quốc tế.
Các nhà lãnh đạo công đoàn nhiều ngành kinh tế đã nhân các hoạt động kỷ niệm ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1-5 để kêu gọi người dân tham gia cuộc biểu tình phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế của Chính phủ.
Những người biểu tình gia tăng các hoạt động phản đối Chính phủ của Thủ tướng George Papandreou trong bối cảnh các nhà đàm phán Hy Lạp đang bước vào giai đoạn hoàn tất các cuộc thương lượng với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), để sớm nhận được gói cứu trợ trị giá 45 tỷ euro (60 tỷ USD), đáp ứng kịp thời các khoản nợ đến ngày đáo hạn. Trước đó, ngày 30-4, cảnh sát Hy Lạp đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình. Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình còn xảy ra ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô. Theo kế hoạch, các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều ngày tới.
Trong khi đó, trong cuộc tiếp xúc với báo chí tại trụ sở Ngân hàng thế giới (WB) ngày 30-4, Chủ tịch WB Robert Zoellick đã bày tỏ lo ngại về khả năng nhiều nước trên thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng nợ giống như cuộc khủng hoảng tại
Hy Lạp hiện nay. Ông Zoellick nhấn mạnh rằng, ông đã cảnh báo hiểm họa khủng hoảng này từ tháng 1 vừa qua, khi nợ ở các nước đều tăng cao và hiện nguy cơ này thực sự đã trở thành vấn đề toàn cầu khi các chủ nợ ở châu Âu bắt đầu thẩm định lại nguy cơ vỡ nợ của các nước vay nợ.
Bình luận về tình hình kinh tế châu Âu, các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đã bộc lộ thực tế rằng nhiều quốc gia khác ở châu lục này hiện đang là con nợ với các khoản tiền vay khổng lồ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.